Lý do khiến trẻ dậy thì sớm
Cập nhật vào: Thứ sáu - 27/05/2022 19:28
Cỡ chữ
Dậy thì sớm ở trẻ là một vấn để không mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng trẻ dậy thì sớm đã tăng khá nhanh với những nguyên nhân không rõ ràng khiến các bậc phụ huynh hoang mang và lo lắng.
Dậy thì là quá trình trẻ phát triển chiều cao vượt bậc, thay đổi hình dạng cơ thể cũng như các đặc trưng về tâm sinh lý, nội tiết... Tuổi dậy thì bình thường bắt đầu từ 8 đến 13 tuổi ở bé gái, từ 9 đến 14 tuổi ở bé trai.
Dậy thì sớm là quá trình cơ thể của trẻ bắt đầu thay đổi thành cơ thể người lớn sớm hơn bình thường. Các dấu hiệu của quá trình dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai được gọi là dậy thì sớm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước. Độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ dậy thì sớm? Hiện không rõ nguyên nhân về điều này, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm có liên quan đến béo phì. Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, những trẻ bị béo phì sẽ có nguy cơ mắc dậy thì sớm cao hơn. Đồng thời, việc thường xuyên sử dụng đồ nhựa chứa chất như: PPA, chất DDT xuất hiện trong thực phẩm, chất TLAT trong mỹ phẩm, dầu gội, sơn móng tay… cũng khiến bé tăng trưởng sớm.
Có 2 loại dậy thì sớm ở trẻ, gồm dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên. Với dậy thì sớm trung ương thường không có nguyên nhân cụ thể. Ở bé gái đa phần vô căn, không tìm thấy nguyên nhân. Vì thế, khi chẩn đoán dậy thì sớm trẻ được làm các xét nghiệm, chụp MRI. Tỷ lệ cho thấy, có khoảng 80% không thấy bất thường ở tuyến yên, não và 20% bé xuất hiện viêm tuyến yên, u tuyến yên. Trong khi đó, ở bé trai nguyên nhân thực thể có nhiều hơn, thường tìm thấy những bát thường trên não, và dậy thì sớm ở bé trai đáng lo ngại hơn nữ.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như do môi trường, di truyền, dinh dưỡng, lối sống v.v… cũng khiến trẻ dậy thì sớm. Trẻ ăn các thực phẩm đồ ăn nhanh, nhiều đạm, ăn ít rau quả hay để trẻ tiếp xúc với thông tin, internet, mạng xã hội từ khi còn nhỏ kích thích sự tò mò ở trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cho con mặc quần áo bó sát vô tình khiến con lớn trước tuổi, tăng nguy cơ dậy thì sớm từ trong tâm sinh lý; Cho con đi giầy cao gót: Với trẻ mới 4 hay 5 tuổi được mẹ trang bị cho đôi giày, dép cao gót để nổi bật và sành điệu, khiến trẻ lớn hơn rõ so với độ tuổi của mình. Điều này làm con bị đánh mất tuổi thơ, trong khi bạn bè có thể vui đùa nghịch ngợm thì con bạn không thể vô tư chơi đùa vì sợ ngã, sợ đau hay thậm chí khiến con bị tổn thương xương khớp gây biến dạng xương … khi xỏ những đôi giày hay dép cao gót; Cho con đánh son phấn, sơn móng tay, móng chân: Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ngoài việc gây ra dậy thì sớm, thì việc này còn khiến trẻ bị rối loạn nội tiết. Sơn móng tay có chứa chất màu, chất tạo màng sơn (nitrocellulose), dung môi hữu cơ (butyl acetate hoặt ethyl acetate), chất làm đặc, chất ổn định màu... Các chất ít độc hại hơn như camphor, dùng kết hợp với nitrocellulose để tạo ra màng sơn cứng cũng có thể gây kích ứng niêm mạc mắt, mũi, miệng.
Để hạn chế dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ nên quan tâm theo dõi, chăm sóc trẻ một cách khoa học về chế độ dinh dưỡng, lối sống, sinh hoạt hàng ngày của trẻ bằng cách cho trẻ hoạt động thể chất 20-30 phút/ngày. Chế độ ăn ít chất béo, đồ ăn nhanh, đồ ngọt, các thực phẩm trái mùa, tăng khẩu phần rau quả để đảm bảo cung cấp đủ lượng protein, bổ sung canxi, vitamin D3 theo hướng dẫn của bác sĩ, cho con đi ngủ sớm, tránh thức khuya để cải thiện chiều cao. Đặc biệt nên cho trẻ xem, đọc các thông tin mang nội dung phù hợp lứa tuổi.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp, 5/2022