Mật ong hoa cà phê - đặc sản của vùng đất Gia Lai
Cập nhật vào: Chủ nhật - 06/11/2022 19:33 Cỡ chữ
Mật ong hoa cà phê là loại mật ong thuần, nguyên chất, được thu hoạch từ đàn ong hút phấn hoa cà phê. Đây là loại mật ong đặc sản của vùng đất Tây Nguyên. Thời điểm thu hoạch loại mật này trùng với thời điểm hoa cà phê nở rộ, và mỗi năm chỉ thu 1 lần. vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch.
Mật ong cà phê có màu vàng sẫm, ngọt sắc mà không gắt, có mùi thơm đặc trưng của cà phê, đặc sánh. Đặc biệt loại mật ong này dù có để lâu ngày cũng không bị ngả màu hay đóng đường.
Từ lâu, mật ong Tây Nguyên nói chung, mật ong hoa cà phê nói riêng của Gia Lai đã nức tiếng gần xa bởi chất lượng hảo hạng. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 96.000 đàn ong với 292 hộ nuôi và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Tổng sản lượng khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm khoảng 80% sản lượng mật ong toàn tỉnh), số còn lại tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường EU.
Gia Lai hiện có hơn 97.000 ha cà phê và đây là một trong những lợi thế để phát triển nghề nuôi ong. Năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố sản phẩm mật ong Gia Lai thuộc Top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng của nước ta. Đó là tiền đề thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật, phấn hoa cà phê của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên nghề nuôi ong lấy mật hoa cà phê cũng còn nhiều khó khăn. Do kỹ thuật hạn chế, quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho từng sản phẩm và chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất nên thường bị ép giá đã khiến cho mật ong hoa cà phê của Gia Lai chưa thể chiếm lĩnh thị trường. Sản lượng mật ong của tỉnh hiện chỉ mới đáp ứng được 5% thị trường trong nước. Trong khi phải chiếm lĩnh 30 - 40% thị trường trong nước thì người nuôi mới sống khỏe được.
Việc cần làm bây giờ là nhanh chóng thực hiện dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai. Điều này sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là công cụ để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người nuôi ong và người tiêu dùng. Đồng thời, giúp tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho người dân theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, dự án triển khai sẽ góp phần bảo vệ hệ sinh thái môi trường rừng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy tiềm năng du lịch Gia Lai, củng cố lại hệ thống sản xuất, ổn định, duy trì sự phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật truyền thống của địa phương.
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 11/2022