Mặt trăng máu, hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp của vũ trụ.
Cập nhật vào: Thứ năm - 23/06/2022 16:34 Cỡ chữ
Mặt trăng máu hay còn được gọi bằng những cái tên khác như trăng huyết, huyết nguyệt, hay nguyệt thực toàn phần.
Theo NASA, hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng cùng nằm trên một đường thẳng, khiến Mặt trăng đi vào vùng bóng tối nhất của Trái đất. Khi đó, ánh trăng sẽ bị mờ đi và chuyển sang màu đỏ hoặc cam sẫm, do đó hiện tượng này còn được gọi là “Trăng máu”. Nếu, Mặt trăng ở gần Trái đất nhất trên quỹ đạo hình elip của nó, thì thiên thể trông sẽ lớn hơn bình thường và được gọi là “Siêu trăng máu”.
Trên thực tế, có tới 3 loại nguyệt thực, gồm: Nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần và nguyệt thực toàn phần. Trong hiện tượng nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng đi qua vùng nửa tối của Trái đất và bề mặt Mặt trăng sẽ mờ đi đôi chút.
Trong khi đó, nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này ánh trăng sẽ tối đi và Mặt trăng bị khuyết đi một phần. Có thể nhìn thấy bóng của Trái đất màu đen (hoặc màu đỏ sẫm) đang che khuất Mặt trăng. Nguyệt thực một phần có thể xuất hiện trước và sau khi nguyệt thực toàn phần.
Và cuối cùng, nguyệt thực toàn phần là khi toàn bộ Mặt trăng tiến vào vùng tối của Trái đất, lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc màu cam sẫm.
Sở dĩ Mặt trăng có ánh sáng đỏ khi xảy ra hiện tượng này, là do ảnh hưởng bởi ánh sáng từ Mặt trời khúc xạ quanh Trái đất. Lúc này, hành tinh của chúng ta hoạt động như một lăng kính, khiến các sóng ánh sáng bị kéo dài ra, và xuất hiện ở vùng đỏ hơn của quang phổ khi chạm đến Mặt trăng.
Khác với hiện tượng nhật thực toàn phần khi bạn bắt buộc phải đeo kính để xem vì ánh nắng Mặt trời có thể gây hại cho mắt, thì bạn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng trăng máu bằng mắt thường, để có điều kiện quan sát tối ưu, hãy tránh ánh sáng chói và các tòa nhà cao tầng có thể cản trở tầm nhìn. Mặc dù cực điểm của nguyệt thực có thể chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng tông màu của Mặt trăng sẽ thay đổi trong suốt đêm. Những thay đổi ấy khiến hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này trở nên thú vị khi xem trong suốt thời gian nguyệt thực hơn là tại một thời điểm cụ thể.
Theo các nhà nghiên cứu thiên văn học thì nguyệt thực toàn phần cuối cùng của năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8/11 và có thể nhìn thấy từ châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ, một phần Đông Âu, Bắc Âu, Bắc Cực và hầu hết Nam Cực. Nếu bỏ lỡ sự kiện này bạn sẽ phải chờ đến tháng 3/2025 mới có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần một lần nữa.
Triệu Cẩm Tú (NASATI), Tổng hợp 6/2022