Mưa đá xuất hiện vào mùa nào trong năm?
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/04/2022 01:01 Cỡ chữ
Ở nước ta, mưa đá có thể xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Nơi thường xảy ra mưa đá nhất là các khu vực vùng núi hay nơi giáp biển, giáp núi; còn ở vùng đồng bằng thường ít xảy ra mưa đá hơn. Mọi người thường nghĩ mưa đá sẽ xuất hiện vào mùa đông nhưng sự thật thì mùa hè mới là lúc dễ xảy ra mưa đá nhất.
Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến ngày 29/8/2021, trên địa bàn nước ta đã xảy ra 279 trận mưa đá. Mưa đá là hiện tượng giáng thủy dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau xảy ra trong thời gian ngắn, kèm theo mưa rào. Mưa đá chỉ xảy ra trong các cơn dông mạnh, nhưng không phải cơn dông nào cũng có mưa đá xảy ra, tần suất số cơn dông có mưa đá chỉ chiếm trên dưới 10%.
Mưa giông hay mưa đá có cùng một dạng với nhau, chúng đều được hình thành từ các đám mây tích nước rơi xuống. Tuy nhiên, đám mây tích nước mưa đá thì dòng khí đối lưu rất dữ dội, cho nên đám mây tích nước này còn được gọi là mây mưa đá. Mây mưa đá phần nhiều xuất hiện vào mùa ấm, rất ít khi xuất hiện trong mùa lạnh. Mây mưa đá là do không khí đối lưu mạnh mẽ mà tạo nên, nó là sản phẩm của không khí không ổn định. Dưới sức nóng của ánh nắng vào mùa ấm và ẩm ướt rất dễ phát sinh không khí không ổn định. Khi đó trong không khí chứa rất nhiều hơi nước, hơn nữa tầng không khí dưới thấp lại dễ bị Mặt Trời chiếu nóng hun đúc, hình thành cột không khí trên lạnh dưới nóng, phát sinh đối lưu dữ dội, dần dần phát triển thành những đám mây tích nước đá. Hơn nữa dòng khí trong đám mây này lên xuống rất mạnh, đủ để đỡ những cục đá trong đám mây, khiến cho đá trong đám mây được nâng lên theo dòng khí, không ngừng kết hợp với các giọt nước li ti và các bông tuyết trên đường trôi dạt, hình thành ra những cục đá trong suốt hoặc mờ đục xen lẫn nhau. Khi chúng to đến một mức độ nhất định, dòng khí bốc lên không thể đỡ nổi nữa thì sẽ rơi xuống, biến thành mưa đá. Đó cũng là lý giải cho hiện tượng mưa đá chỉ xuất hiện vào mùa hè.
Về mùa đông, ánh nắng Mặt Trời chiếu xiên xuống mặt đất. Lượng nhiệt mặt đất tiếp thu được rất ít, không đủ để gây ra những dòng đối lưu mạnh. Hơn nữa không khí khô ráo, cho nên dù có phát sinh đối lưu cũng không dễ hình thành nên đám mây tích nước to nặng. Dù có hình thành thì những dòng khí đối lưu trong mây cũng không thể đủ mạnh để đỡ chúng lơ lửng trong bầu trời. Cho nên về mùa đông không thể có mưa đá.
Các cục mưa đá rơi xuống thường có đường kính từ 5mm - 50mm. Hạt mưa đá lớn nhất được ghi nhận ở Anh là tại vùng Horsham, West Sussex vào ngày 5/9/1958 nặng 142 gam. Trong khi đó ở Mỹ, hạt mưa đá lớn nhất nặng đến 0,88kg và có đường kính lên tới 20cm. Hạt mưa này xuất hiện trong cơn mưa đá vào ngày 23/7/2010 ở Vivian, Nam Dakota.
Mưa đá có thể xảy ra 5 - 10 phút và cũng có thể kéo dài từ 20-30 phút. Tốc độ rơi của hạt mưa có thể dao động từ 30 - 60m/s, thậm chí có thể lên đến 90m/s. Vận tốc lớn nên khi rơi xuống mặt đất có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nước ta đang bước vào thời điểm chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng, đây cũng chính là thời điểm dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết xấu như: mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá. Chính vì vậy, cần chủ động ứng phó để có thể giảm thiểu các thiệt hại về người và của. Đơn giản nhất là thường xuyên theo dõi và cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch phòng chống hợp lý cho chính bản thân và cộng đồng.
Phạm Thị Mỹ Bình (NASATI), tổng hợp, 4/2022