Ngủ ngáy liệu có nguy hại đến sức khỏe không?
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/06/2022 01:04 Cỡ chữ
Ngủ ngáy hay còn gọi là ngáy khi ngủ, là hiện tượng luồng không khí mà 1 người hít vào khi đang ngủ, lúc đi qua một vùng hẹp ở đường hô hấp trên sẽ tác động làm cho niêm mạc các mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh đặc trưng mà người ta gọi đó là tiếng “ngáy”. Vùng hẹp đó có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng.
Hiện tượng này phổ biến trong giấc ngủ, có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng chủ yếu hay gặp ở nam giới, nhất là những người có tình trạng thừa cân hay béo phì.
Không ít người cho rằng, ngủ ngáy là dấu hiệu của một giấc ngủ ngon. Nhưng trên thực tế, ngủ ngáy được coi là kẻ thù của sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, ngủ ngáy có thể dự báo mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ rất nguy hiểm với các biểu hiện như: ngủ ngáy, ngủ gật nhiều vào ban ngày, thức giấc trong tình trạng đầu đau như búa bổ, đôi khi bạn quan sát thấy khi ngủ người đó có những giai đoạn ngưng không thở, sau đó thở rất nhanh và thở gấp gáp bù lại.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ xuất hiện tình trạng những cơn ngừng thở hoặc giảm thở trong khi ngủ. Những cơn ngừng thở này gây suy giảm oxy trong máu và gây một loạt các biến cố về sức khoẻ mà bản thân người bệnh không hề biết. Hội chứng ngừng thở này có thể gặp ở cả nam giới, nữ giới và trẻ em.
Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể, dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Một trong các rối loạn chuyển hoá hay gặp trong hội chứng ngừng thở là đái tháo đường và kéo theo một loạt các biến chứng của đái tháo đường.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm, người nhà không thể phát hiện hoặc đưa đi cấp cứu.
Trước nguy hiểm của bệnh ngủ ngáy thì việc làm giảm tình trạng ngủ ngáy là điều chúng ta cần quan tâm. Bởi theo Daniel P. Slaughter, bác sĩ tai mũi họng và chuyên gia về ngáy tại Capital Otolaryngology (Texas, Mỹ), ngủ ngáy có thể tạo ra những vấn đề trong hôn nhân, 75% người ngủ ngáy không chỉ gặp phiền toái khi ngủ mà ngủ ngáy còn là nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do vậy, người ngủ ngáy có thể áp dụng các biện pháp như:
- Giảm cân: Slaughter giải thích, khi tăng cân dây thanh quản ở cổ họng bị chèn ép gây ra chứng ngáy.
- Không uống rượu: Rượu và thuốc an thần làm giảm thời gian nghỉ ngơi của các cơ ở phía sau cổ họng, khiến khả năng ngủ ngáy cao hơn. Nhiều người ngáy to sau khi uống rượu, những người bình thường không ngáy nhưng khi uống rượu khi ngủ lại có thể ngáy.
- Thay đổi gối, Thay đổi tư thế ngủ: Tư thế nằm ngửa làm cho gốc lưỡi và vòm miệng dồn xuống thành sau của cổ họng, gây ra âm thanh rung khi ngủ. Ngủ nghiêng có thể giúp ngăn ngừa điều này.
- Uống đủ nước: Các chất tiết trong mũi và miệng sẽ dính hơn khi bạn bị mất nước, điều này có thể tạo ra nhiều tiếng ngáy hơn.
- Đường mũi thông thoáng: Nếu tiếng ngáy bắt đầu từ mũi, việc cần làm đầu tiên là giữ cho đường mũi thông thoáng. Nếu như mũi bị tắc hoặc thu hẹp do cảm lạnh hoặc do thay đổi thời tiết đột ngột, khả năng tạo ra tiếng ngáy sẽ cao hơn bình thường.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp, 6/2022