Nguyên do nào khiến nông nghiệp Tây Nguyên tuy có nhiều lợi thế nhưng chưa phát triển?
Cập nhật vào: Thứ hai - 05/09/2022 11:03 Cỡ chữ
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu hecta đất đỏ bazan.
So với bảy vùng sinh thái của nông nghiệp Việt Nam thì Tây Nguyên là vùng có lợi thế cạnh tranh với quỹ đất bazan tập trung, điều kiện sinh thái và lượng mưa lớn, bà con nông dân có kinh nghiệm hàng trăm năm trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà-phê, cao-su, chè; bình quân diện tích sản xuất hộ gia đình rộng hơn so với các nơi khác cho nên dễ tiếp cận cơ giới hóa. Đây là một trong những lợi thế để các loại cây trồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo như hiện nay, vùng sản xuất rau củ quả ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, diện tích dần thu hẹp… thì Tây Nguyên lại có những lợi thế rất riêng. Tây Nguyên có diện tích đất nông nghiệp lớn, màu mỡ, khí hậu ôn hòa nên cơ hội để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng thích hợp. Tây Nguyên không chỉ có lợi thế về cà phê, cao su, hồ tiêu mà còn chiếm 20% diện tích trồng rau củ quả của cả nước. Tuy nhiên, sản lượng rau củ quả chỉ chiếm 10% vì hiện nay chỉ có 8 nhà máy chế biến so với 160 nhà máy trên cả nước. Trong 8 nhà máy chế biến rau củ quả cho đến nay chỉ 01 nhà máy đạt tiêu chuẩn cao.
Sản lượng nông nghiệp tuy lớn, đa dạng về chủng loại, có chất lượng cao nhưng giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng này là do khâu tổ chức sản xuất còn manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản còn nhiều hạn chế. Nông dân ở khu vực này phát triển nông nghiệp còn tùy tiện, phá vỡ quy hoạch, thường xuyên thay đổi cây trồng dẫn đến tình trạng được mùa mất giá luôn lặp đi lặp lại…
Để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, các địa phương Tây Nguyên phải quy hoạch lại cây trồng ngay từ bây giờ. Đầu tư mạnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng các giải pháp về nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng; trong đó chú trọng kết nối hành lang đa dạng sinh học với các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ. Mặt khác, Tây Nguyên cũng cần hoàn thiện hệ thống logistics, giảm hao hụt trong sản xuất nông nghiệp từ khi gieo trồng đến bàn ăn của thực khách... Quan trọng hơn, các tỉnh phải có một lớp nông dân trẻ, có hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, Tây Nguyên cần có chính sách hướng về thị trường, tăng lợi nhuận cho nông dân. Có như vậy, nông sản Tây Nguyên mới nâng cao được năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng của kinh tế - xã hội đã làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất trên thế giới nhưng là thời cơ để kết nối Tây Nguyên với quốc tế. Vì vậy, không để Tây Nguyên đóng khung trong Tây Nguyên mà phải kết nối Tây Nguyên với cả nước và Tây Nguyên với quốc tế. Khắc phục những hạn chế về hạ tầng kết nối, hạ tầng nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, chế biến thô sơ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới công nghệ chậm... tạo hệ sinh thái nông nghiệp và môi trường đầu tư lành mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đến với Tây Nguyên.
Phạm Thị Mỹ Bình (NASATI), tổng hợp, 9/2022