Nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng khộp Tây Nguyên bị suy giảm?
Cập nhật vào: Thứ sáu - 21/10/2022 00:01
Cỡ chữ
Vùng Tây Nguyên có 305.651,69 ha rừng khộp, trong đó: rừng đặc dụng 101.129,58 ha, chiếm 33,09%; rừng phòng hộ 39.149,83 ha, chiếm 12,81% và rừng sản xuất là 165.372,28 ha, chiếm 54,10%. Giai đoạn 2010 - 2015, diện tích rừng khộp giảm 91.647,64 ha (bình quân 18.329 ha/năm) và giai đoạn 2015-2020, diện tích rừng khộp giảm 49.571,83 (bình quân 9.914 ha/năm).
Rừng khộp là kiểu rừng thưa cây lá rộng, rụng lá vào mùa khô, là hệ sinh thái độc đáo, hiếm có trên thế giới, phân bố chủ yếu ở một số nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm một phần rất lớn diện tích. Ở Việt Nam, rừng khộp phân bố tập trung ở Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Trong đó, Tây Nguyên là nơi có diện tích rừng khộp lớn nhất, tập trung chủ yếu ở Vườn quốc gia Yók Đôn và khu vực giáp ranh của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Trong những năm qua, hệ sinh thái rừng khộp bị khai thác chưa hợp lý và chưa khoa học gây suy giảm mạnh về diện tích. Một trong số những nguyên nhân này phải kể đến:
Một là, việc xâm lấn rừng và đất rừng khộp để sản xuất nông nghiệp: Dân số tăng nhanh gây nhiều áp lực đến sử dụng đất. Từ 2015 đến 2020 có 40.616 hộ di cư tự do đến Tây Nguyên, tuy nhiên hiện nay còn khoảng 18.300 hộ, chiếm 45% chưa bố trí được chỗ ở ổn định, theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2020. Khí hậu, đất đai vùng Tây Nguyên phù hợp với các loài cây công, nông nghiệp có giá trị, trong khi giá cả sản phẩm nông nghiệp như: sắn, ngô, cà phê và cây ăn quả tăng, nhu cầu đất sản xuất canh tác ngày càng lớn dẫn đến áp lực lên rừng khộp.
Một số tổ chức được giao, thuê đất, thuê rừng nhưng không đủ năng lực thực hiện, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng phá rừng, lấy đất sản xuất diễn ra. Năng lực chuyên môn của lực lượng bảo vệ rừng trong tuần tra, xử lý tình huống, sử dụng công cụ thiết bị hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng và lực lượng kiểm lâm còn nhiều hạn chế. Việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách tại một số địa phương còn chậm, chưa có tính đột phá; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức.
Vì lợi ích trước mắt nên có một bộ phận người dân sẵn sàng xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất. Công tác tuyên truyền vận động chưa hiệu quả, mức độ và nội dung tuyên truyền còn đơn giản nên hiệu quả của công tác tuyên truyền vận động còn thấp.
Hai là, chuyển rừng khộp nghèo sang trồng cao su, rừng nguyên liệu (keo, bạch đàn): Trong 05 năm (2010 - 2015), tổng diện tích chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su, rừng nguyên liệu là: 33.176,64 ha, trong đó: chuyển sang trồng cây cao su 27.175,94 ha; trồng keo, bạch đàn là 3.982,43 ha và 2.018,27 ha là các cây trồng khác. Như vậy, kết quả điều tra cho thấy thời gian này cao su được phát triển ồ ạt sau khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên vào năm 2009. Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…) trên đất lâm nghiệp.
Ba là, mất rừng, suy thoái rừng khộp do khai thác rừng: Ngoài khai thác gỗ, khai thác thác trái phép cây rừng (cây gỗ, cây cảnh) để làm cây bóng mát và cây cảnh đáp ứng thú chơi sinh vật cảnh ngày càng tăng trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng và suy thoái rừng khộp ở Tây Nguyên.
Phạm Thị Mỹ Bình (NASATI), tổng hợp, 10/2022