Những nguy hại của tia cực tím với sức khỏe con người
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/05/2022 04:26 Cỡ chữ
Nước ta đang chuẩn bị bước vào những tháng cao điểm của nắng nóng. Đây là thời điểm mà chỉ số tia cực tím ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước đều ở mức cao, vượt ngưỡng trung bình, gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Hiểu được những tác hại của tia cực tím cũng như biết được thời điểm trong ngày cường độ tia cực tím mạnh nhất để hạn chế tối thiểu những nguy hại của nó đối với sức khỏe của con người.
Tia cực tím hay còn gọi là tia UV là một hiện tượng bức xạ điện từ do ánh nắng mặt trời phát ra. Lẽ thường, tia UV có tác dụng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, chống còi xương, chữa một số bệnh ngoài da...Tuy nhiên, nếu cường độ lớn và thường xuyên phải tiếp xúc với tia UV có thể gây ra những tác hại không nhỏ cho cơ thể.
Theo thống kê, ngay từ đầu tháng 4 của năm nay, có những ngày chỉ số tia cực tím tại miền Bắc và miền Trung ở ngưỡng gây hại, còn miền Nam ở ngưỡng nguy hiểm. Chỉ số tia UV dần "tím ngắt", tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe. Như chúng ta đã biết, Mặt Trời tỏa ra 3 loại tia cực tím, đó là: UVA, UVB và UVC. Trong đó, tia UVC là tia có năng lượng lớn nhất gây hại cho cơ thể nhất tuy nhiên do sự hấp thụ của tầng Ozone nên gần như toàn bộ tia UVC bị ngăn chặn. Tia UVA chiếm 95% lượng tia cực tím xuống trái đất và tia UVB chiếm 5%. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng thủng tầng ozon khiến các tia UVB và UVC trở nên dày đặc hơn trong ánh sáng mặt trời.
Tia UVA gây hại cho làn da vì có bước sóng dài, âm thầm tác động vào bên trong lớp hạ bì của da, gây đứt gãy các sợi collagen và elestin, khiến cho da mất đi độ đàn hồi và hình thành các nếp nhăn. Tia UVA cũng là thủ phạm gây sạm da, lão hóa sớm và ung thư da. Khi da tiếp xúc với tia cực tím, các tế bào tạo sắc tố sẽ giải phóng melanin từ nâu đậm đến đen để bảo vệ da khỏi ánh nắng. Tuy nhiên, khi tế bào gốc tạo sắc tố gia tăng đột biến một cách không kiểm soát được do ánh nắng chiếu vào, chúng có thể phát triển thành khối u, các khối u thường được gọi là tổn thương da. Khối u được gọi là ung thư khi chúng được cấu tạo từ các tế bào ác tính.
Do có bước sóng ngắn nhưng năng lượng mạnh hơn UVA, bức xạ tia UVB có thể hủy hoại tế bào da, võng mạc mắt, bỏng nắng khi tiếp xúc với cường độ mạnh trong một thời gian nhất định.
Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học tin rằng việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Tia bức xạ UV thường tập trung cao vào buổi trưa, khi mặt trời ở vị trí cao, chiếu sáng trực tiếp, gần như vuông góc với mặt đất, thường vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động 0-2 được xem là thấp, chỉ số 8-10 thời gian tiếp xúc gây bỏng là 25 phút. Chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm. Nếu phải hoạt động ngoài trời nhiều trong thời tiết nắng nóng, chúng ta nên sử dụng các biện pháp che tránh nắng cơ học như: khẩu trang, nón rộng vành, kính mát…và kem chống nắng . Bên cạnh đó cần bổ sung thêm nhiều nước và chất khoáng để cung cấp đủ ẩm cho làn da và cơ thể.
Phạm Thị Mỹ Bình (NASATI), tổng hợp, 5/2022