Tại sao cá voi không bao giờ bị ung thư?
Cập nhật vào: Thứ tư - 08/11/2023 00:01 Cỡ chữ
Một trong những bí ấn lớn của y học đó là: Tại sao một số loài vật không bao giờ bị ung thư trong khi những loài khác lại bị hành hạ bởi căn bệnh quái ác này.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở chó và mèo. Cáo và báo hoa mai cũng dễ mắc bệnh trong khi cừu và linh dương thì không. Dơi cũng được bảo vệ tương đối tốt khỏi bệnh ung thư nhưng chuột nhắt hay chuột cống thì không. Động vật càng nhiều tế bào càng có nguy cơ mắc ung thư cao. Ở người, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu giết chết khoảng 10 triệu người mỗi năm, nhưng cá voi có số tế bào nhiều gấp hàng nghìn lần so với con người lại không bị
Ung thư là một căn bệnh xảy ra khi một tế bào trong cơ thể trải qua một loạt đột biến trong DNA và bắt đầu phân chia không kiểm soát được, và hệ thống phòng thủ của cơ thể không thể ngăn chặn sự phát triển này. Càng sở hữu nhiều tế bào thì nguy cơ phát triển thành ung thư càng cao.
Dựa vào quan điểm này, có một số loại cá voi lẽ ra không thể sống đến một độ tuổi này đó mà không bị ung thư vì chúng có quá nhiều tế bào. Nhưng thực tế thì cá voi đầu cong có tuổi thọ trung bình từ 100 - 200 năm, trong khi cá voi thường có tuổi thọ trung bình khoảng 70 năm. Mặc dù, so với con người, tất cả chúng đều có nhiều tế bào hơn hàng nghìn lần, mỗi tế bào đều là điểm khởi đầu tiềm năng để phát triển thành ung thư.
Trải qua hàng loạt thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tế bào của cá voi đầu cong có khả năng sửa chữa tổn thương DNA tốt hơn tế bào của người, chuột và bò. Họ nhận ra rằng có vẻ cá voi đã xử lý tổn thương DNA từ trong trứng nước với hiệu quả và độ chính xác rất cao so với các loài động vật có vú khác.
Nói một cách đơn giản là cá voi đầu cong có thể chịu đựng nhiều tác động vào bộ gene vì chúng có một hệ thống sửa chữa nhanh được điều chỉnh mạnh mẽ để phục hồi tổn thương DNA. Ngoài ra, trong một vùng DNA mà cá voi, người, chuột và bò đều có, các tế bào của cá voi có khả năng sửa chữa các đứt gãy DNA cao hơn mà không gặp lỗi.
Tế bào của cá voi đầu cong cũng tiết ra một loại protein sửa chữa DNA gọi là CIRBP ở mức độ cao hơn nhiều so với các loài khác được nghiên cứu. Do đó, khi các tế bào người nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được thiết kế để tạo ra CIRBP số lượng lớn, sự điều chỉnh di truyền này đã tăng cường khả năng sửa chữa DNA không bị lỗi.
Về cơ bản, các loài sống lâu được phát hiện đang tích lũy đột biến với tốc độ chậm hơn, trong khi các loài sống ngắn lại tích lũy đột biến với tốc độ nhanh hơn. Ví dụ, con người có tuổi thọ trung bình 83,6 năm và có khoảng 47 đột biến mỗi năm, trong khi loài chuột chỉ sống được bốn năm nhưng mỗi năm có tới khoảng 800 đột biến. Ngoài ra, người ta phát hiện ra rằng, khi kết thúc vòng đời, tất cả các loài động vật khác nhau được nghiên cứu đã tích lũy khoảng 3.200 đột biến.
Mỗi khi các nhà khoa học phát hiện ra cơ chế tiềm năng để ức chế ung thư ở một loài động vật thì nhân loại lại có cơ hội tìm ra các hướng điều trị và các phương pháp phòng ngừa ung thư mới để cứu sống con người. Nhưng chắc chắn điều đó sẽ đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn để biến những khám phá gần đây thành những liệu pháp hiệu quả trong tương lai.
Triệu Cẩm Tú (NASATI), tổng hợp 11/2023