Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch sau nhiễm COVID-19
Cập nhật vào: Thứ ba - 22/02/2022 21:36 Cỡ chữ
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Medicine, người từng nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn đáng kể so với người không nhiễm bệnh.
Tác giả chính của nghiên cứu - Phó Giáo sư Ziyad Al-Aly tại Đại học Washington, St. Louis., Missouri kiêm Giám đốc nghiên cứu và phát triển Hệ thống chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St. Louis, cho biết nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch sau khi nhiễm COVID-19 là rõ ràng, bất kế tuổi tác, giới tính và các yếu tố dẫn đến nguy cơ tim mạch khác, bao gồm tình trạng béo phì, huyết áp cao, mắc bệnh tiểu đường và bệnh thận mãn tính. Hơn thế nữa, vấn đề này có thể gặp ở cả những người trước đó chưa từng mắc các bệnh về tim mạch, bao gồm người trước đó có tình trạng sức khỏe tốt và thanh niên.
Dựa trên cơ sở dữ liệu y tế do Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ quản lý, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích và lọc ra hơn 150.000 hồ sơ y tế của những người nhiễm COVID-19 trong quãng thời gian từ ngày 1/3/2020 đến ngày 15/1/2021 và sống sót sau 30 ngày đầu tiên kể từ khi được chẩn đoán nhiễm bệnh.
Thông tin này sau đó được đối chiếu với hai nhóm người không nhiễm COVID-19, bao gồm nhóm hơn 05 triệu bệnh nhân tim mạch không mắc COVID-19 trong quãng thời gian nêu trên và nhóm có quy mô tương tự vào năm 2017 khi đại dịch chưa bùng phát.
Kết quả cho thấy xuất hiện nguy cơ đáng kể về 20 vấn đề tim mạch đối với những người hồi phục sau COVID-19 trong vòng 01 năm kể từ khi nhiễm bệnh. Các biến chứng tim mạch liên quan đến nguy cơ nói trên bao gồm rối loạn nhịp tim, viêm tim, đông máu, đột quỵ bệnh động mạch vành, đau tim, suy tim hoặc thậm chí tử vong.
Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy, so với 2 nhóm đối chứng, những người từng nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn 72%, đau tim cao hơn 63% và đột quỵ cao hơn 52%. Các nguy cơ trên cũng rõ ràng ở những người nhiễm COVID-19 thể nhẹ (vốn chiếm đa số trong nhóm bệnh nhân COVID-19) và gia tăng mức độ nghiêm trọng sau khi nhiễm COVID-19, từ không nhập viện, cho đến phải nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt.
Thông qua những phát hiện nêu trên, nhóm nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin COVID-19 như một cách để ngăn ngừa tổn thương tim, và khuyến nghị chiến lược chăm sóc y tế đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 nên chú ý thêm về sức khỏe tim mạch cũng như các biến chứng khác hậu COVID-19 hay còn được biết đến là hội chứng COVID kéo dài.
N.M.H (NASATI), theo https://www.nature.com/articles/d41586-022-00403-0, 14/2/2022 và https://www.drugs.com/news/more-evidence-covid-infection-brings-long-term-heart-risks-103446.html, 10/2/2022