Thay đổi chế độ ăn có thể giúp tăng tuổi thọ thêm hơn 10 năm
Cập nhật vào: Thứ tư - 04/05/2022 01:02
Cỡ chữ
Theo nghiên cứu công bố hôm 08/02/2022 trên tạp chí PLOS Medicine của Giáo sư Lars Fadnes thuộc Đại học Bergen, Na Uy, và các đồng nghiệp, một người trưởng thành trẻ tuổi tại Hoa Kỳ có thể tăng tuổi thọ thêm hơn mười năm bằng cách thay đổi chế độ ăn từ chế độ điển hình của phương Tây sang chế độ ăn tối ưu, bao gồm nhiều loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt, ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến. Đối với những người lớn tuổi, dù số năm tuổi thọ tăng thêm ít hơn so với người trẻ nhưng lợi ích từ việc thay đổi chế độ ăn vẫn rất đáng kể.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã sử dụng các phân tích tổng hợp và dữ liệu có sẵn từ một nghiên cứu có tên Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (một cơ sở dữ liệu theo dõi 286 nguyên nhân tử vong, 369 loại bệnh tật và thương tích, và 87 yếu tố nguy cơ ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới) để xây dựng một mô hình cho phép ước tính tức thì tác động của các thay đổi trong chế độ ăn đối với tuổi thọ con người. Mô hình này hiện đang được cung cấp miễn phí dưới dạng một công cụ trực tuyến, có tên là Food4HealthyLife, tại địa chỉ https://food4healthylife.org/.
Mô hình ước tính rằng, một sự thay đổi bền vững trong chế độ ăn, từ chế độ điển hình của phương Tây sang chế độ ăn tối ưu, được người trưởng thành trẻ tuổi tại Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành ở tuổi 20, có thể làm tăng tuổi thọ thêm hơn 10 năm ở cả phụ nữ (10.7 năm, khoảng không chắc chắn 5.9-14.1) và nam giới (13.0 năm, 6.9-17.3). Số năm tuổi thọ tăng lên nhiều nhất khi ăn nhiều đậu hơn (nữ: 2.2, 1.0-3.4; nam: 2.5 [1.1-3.9]), nhiều ngũ cốc hơn (nữ: 2.0 [0.7-3.3]; nam: 2.3 [0.8-3.8]), và nhiều loại hạt hơn (nữ: 1.7 [0.8-2.7]; nam: 2.0 [1.0-3.0]), tiếp đến là ăn ít thịt đỏ hơn (nữ: 1.6 [0.7-2.5]; nam: 1.9 [0.8-3.0]) và ít thịt đã qua chế biến hơn (nữ: 1.6 [0.7-2.5]; nam: 1.9 [0.8-3.0]). Thay đổi từ chế độ ăn điển hình sang chế độ ăn tối ưu ở người thuộc độ tuổi 60 có thể làm tăng thêm 8.0 năm tuổi thọ (4.8-11.2) đối với phụ nữ và 8.8 năm (5.2-12.5) đối với nam giới. Đối với người thuộc độ tuổi 80, họ có thể tăng 3.4 năm tuổi (nữ: 2.1-4.7 và nam: 2.1-4.8) từ việc thay đổi sang chế độ ăn tối ưu.
Theo các tác giả, thực phẩm là nền tảng cho sức khỏe. “Khi có hiểu biết tương đối về mối liên hệ giữa sức khỏe và nhóm thực phẩm, mọi người có thể cải thiện sức khỏe theo cách khả thi và đáng kể nhất”. "Do đó, Food4HealthyLife có thể là một công cụ hữu ích đối với các bác sĩ lâm sàng, các nhà hoạch định chính sách và người dân để hiểu rõ hơn tác động của các lựa chọn chế độ ăn uống đối với sức khỏe".
Giáo sư Fadnes cho biết thêm: “Các nghiên cứu từ trước đến nay đã chỉ ra một số nhóm thực phẩm hoặc chế độ ăn cụ thể đem lại lợi ích về sức khỏe nhưng lại không có mấy thông tin về tác động đối với sức khỏe của việc chuyển sang các chế độ ăn khác. Phương pháp nghiên cứu mô hình hóa của chúng tôi giúp thu hẹp khoảng cách này”.
N.M.H (NASATI), theo Lược dịch từ Sciencedaily và www.sciencedaily.com/releases/2022/02/220208143307.htm, 8/4/2022