Thói quen uống cà phê có gây hại cho tim mạch không?
Cập nhật vào: Thứ ba - 10/09/2024 00:13 Cỡ chữ
Theo một nghiên cứu mới của Mỹ, tiêu thụ hơn 400 mg caffeine mỗi ngày, thói quen phổ biến của nhiều người, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nghiên cứu phân tích tác động của caffeine đến người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Kết quả cho thấy việc tiêu thụ thường xuyên 400 mg caffeine mỗi ngày sẽ phá vỡ hệ thần kinh tự chủ, dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêu thụ caffeine điều độ để giảm nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch liên quan.
Tiêu thụ caffeine “mãn tính” được định nghĩa là uống bất kỳ loại đồ uống chứa caffeine năm ngày một tuần trong hơn một năm. Nghiên cứu tập trung vào trà, cà phê và đồ uống có ga như Coke, Pepsi, Redbull, Sting và Monster.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá một nhóm ngẫu nhiên gồm 92 người khỏe mạnh và có huyết áp bình thường trong độ tuổi từ 18 đến 45. Tất cả những người tham gia đều được đo huyết áp, tim mạch và trải qua bài kiểm tra bước lên, xuống trong ba phút. Huyết áp và nhịp tim được đo sau một phút và năm phút sau bài kiểm tra. Các tác giả đã ghi lại thông tin về dữ liệu nhân khẩu - xã hội của từng người tham gia và lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 19,6% người tham gia tiêu thụ hơn 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với khoảng bốn tách cà phê, 10 lon soda hoặc hai loại đồ uống tăng lực. Tiêu thụ caffeine nhiều ở mức 400 mg mỗi ngày đã được chứng minh là có tác động đáng kể đến hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim và huyết áp theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu cho biết lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày cao nhất được quan sát thấy ở những người tham gia là phụ nữ, làm việc ở vị trí kinh doanh và quản lý, và sống tại các khu đô thị. Những người tiêu thụ caffeine nhiều nhiều nhất, thường là hơn 600 mg caffeine mỗi ngày, có nhịp tim và huyết áp tăng đáng kể sau năm phút nghỉ ngơi sau bài kiểm tra.
Huyết áp cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh thận mãn tính và chứng mất trí. Tăng huyết áp làm suy yếu tim của bạn theo thời gian và là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tim.
Ngoài lượng caffeine hấp thụ, còn có một số yếu tố góp phần làm tăng huyết áp cao, chẳng hạn như uống rượu, hút thuốc, tuổi tác, tiền sử bệnh gia đình và ăn nhiều muối. Tăng cường hoạt động thể chất, tuân thủ chế độ ăn bổ dưỡng và thay đổi lối sống khác có thể giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
N.P.D (NASATI), theo Scitechdaily, 8/2024