Vì sao Tây Nguyên thu hút chăn nuôi công nghệ cao?
Cập nhật vào: Thứ ba - 01/11/2022 00:48
Cỡ chữ
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là cách tạo động lực mới cho việc tăng trưởng và phát triển bền vững. Chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong chăn nuôi đã được các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi trên địa bàn đẩy mạnh, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng) có tiềm năng lớn trong phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò, dê… Đặc biệt, khu vực này thưa dân cư, đất đai rộng lớn. Nên khu vực này được đánh giá là tiềm năng, thuận lợi cho những dự án chăn nuôi có quy mô. Trong khi các vùng chăn nuôi lớn như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng đang gặp khó khăn vì diện tích đất đai nhỏ hẹp, xen kẽ trong khu dân cư thì khu vực Tây Nguyên lại đáp ứng được nhiều tiêu chí để phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư.
Nếu so với các vùng chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương thì khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk gặp khó khăn hơn về đường giao thông, xa các thị trường tiêu thụ lớn, hệ thống dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế... Nhưng sở dĩ các nhà đầu tư vẫn chọn Đắk Lắk, tiếp đó là Gia Lai bởi ở các vùng khác không dễ tìm được diện tích đất đai rộng lớn, xa khu dân cư để xây dựng khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao.
Nhận thấy được những thuận lợi, năm 2019, hai doanh nghiệp chăn nuôi lớn là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) đã bắt tay triển khai hai dự án chăn nuôi quy mô lớn tại tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Trong đó, tại Đắk Lắk, hồi tháng 9/2020, hai doanh nghiệp này đã chính thức khởi công xây dựng "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk". Dự án đặt tại xã Ea M'Droh, huyện Cư M'Gar với tổng vốn cả giai đoạn 2019 - 2025 là 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) trên diện tích gần 200 ha. Đây được xem là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nguồn vốn đầu tư lớn nhất tại Đắk Lắk từ trước đến nay, và cũng là "cú đột phá" đầu tiên của liên doanh De Heus - Hùng Nhơn tại đất Tây Nguyên. Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, dự án gồm khu trang trại chăn nuôi heo 2.400 con giống cụ, kỵ được chọn lọc và được nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan trên diện tích 80ha; khu chăn nuôi gà giống 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân hữu cơ 15ha...Toàn bộ dự án được áp dụng quy trình chăn nuôi áp dụng công nghệ 4.0, theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP. De Heus cam kết cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống tốt nhất, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân. De Heus hứa hẹn hỗ trợ các nông hộ tiếp cận và áp dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi của Hà Lan.
Trong 3 năm qua, Tây Nguyên đang trở thành mảnh đất tiềm tàng thu hút hàng chục ngàn tỷ đồng rót vào các dự án chăn nuôi công nghệ cao. Lý giải vì sao nhà đầu tư lại chọn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng để đầu tư chăn nuôi công nghệ cao, có ý kiến cho rằng: “Gia Lai được đánh giá là mảnh đất tiềm tàng về chăn nuôi công nghệ cao. Nó đáp ứng được các tiêu chí mà Nhà nước quy định về bảo vệ môi trường, đáp ứng được tiêu chí của nhà đầu tư như phát triển được vùng thức ăn chuyên canh phục vụ cho chăn nuôi, tiếp cận môi trường khí hậu trong lành và hạ tầng giao thông đầy đủ”. Một nhà đầu tư đến từ Nha Trang cũng cho hay: “Chúng tôi đang tìm kiếm vị trí đất thích hợp để làm dự án chăn nuôi công nghệ cao với vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Tây nguyên có khí hậu, môi trường tốt thuận lợi cho chăn nuôi, nguồn nguyên liệu thức ăn cũng sẵn, đảm bảo tốt”.
Khu vực Tây Nguyên đáp ứng được nhiều tiêu chí để phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư. Ngoài Lâm Đồng, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk có nhiều thuận lợi về cánh đồng cỏ, khí hậu thổ nhưỡng, đang dần thu nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn, được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Các dự án chăn nuôi công nghệ cao đang góp phần thúc đẩy kinh tế các tỉnh Tây Nguyên và định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp heo giống, sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Phạm Thị Mỹ Bình (NASATI), tổng hợp, 10/2022