Xuyên tâm liên: những điều cần biết
Cập nhật vào: Thứ năm - 17/03/2022 01:43 Cỡ chữ
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của các loại thuốc tân dược, nhất là các loại kháng sinh thế hệ mới, cái tên Xuyên tâm liên dần bị lãng quên. Trong thời kỳ bao cấp ở nước ta, vị thuốc này đã từng được coi như một loại “thần dược”.
Xuyên tâm liên có nhiều tên gọi khác như: Cây lá đắng, Công cộng, Khổ đởm thảo,... với tên khoa học là Andrographis paniculata; thuộc họ Ô rô Acanthaceae. Cây mọc hoang nhiều khu phía Bắc nước ta, là một trong 70 vị thuốc nam được bộ y tế khuyến khích trồng trong vườn thuốc tại các trạm y tế.
Tác dụng của Xuyên tâm liên có được là do các diterpen lacton, tiêu biểu là andrographolid, một diterpen lacton có hàm lượng cao nhất trong cây. Các tác dụng sau đây của Xuyên tâm liên đã được nghiên cứu và chứng minh như: Kháng viêm, hạ sốt, giảm đau; giảm huyết áp, ngăn tạo huyết khối; bảo vệ gan; chữa tiêu chảy, lỵ, lợi tiểu; hạ đường huyết; chống sinh sản; chống sốt rét; kháng virus, vi khuẩn; an thần; chữa rắn cắn; chống ung thư.
Gần đây, Xuyên tâm liên cũng được nghiên cứu nhiều hơn về thành phần hóa học, tác dụng dược lý trong phòng chống Covid-19. Chính nhờ thành phần hóa học của Xuyên tâm liên là Andrographolide và Dihydroxy dimethoxy flavone, nên nó có tác dụng chống lại Covid-19 bằng cách ức chế enzym protease chính của virus này. Nó thể làm giảm mức độ viêm ở bệnh nhân, cải thiện các triệu chứng hô hấp, ức chế virus và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể với tính an toàn cao. Ngoài ra, Andrographolide còn có tác dụng bảo vệ gan và có giá trị lâm sàng để điều trị các bệnh tim mạch, đồng thời có tác dụng bảo vệ đối với tổn thương gan, tim mạch do một số thuốc chống Covid-19 khác. Hiện nay, Xuyên tâm liên được coi như vị thuốc nam ưu việt nhất trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Do tính chất của vị thuốc rất đắng và có tính hàn lạnh nên khi sử dụng không nên dùng dài ngày và đặc biệt nên cẩn trọng khi dùng cho các bệnh nhân bị rối loạn đông máu, đang bị chấn thương, sau phẫu thuật, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Phạm Thị Mỹ Bình (NASATI), tổng hợp, 3/2022