Cải tiến màng khử mặn hiệu quả hơn
Cập nhật vào: Thứ hai - 11/01/2021 04:16
Cỡ chữ
Màng khử mặn được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới để loại bỏ muối và các hóa chất khác khỏi nước, cung cấp nguồn nước cho ngành nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học đang nỗ lực để xác định những đặc điểm của vật liệu ảnh hưởng đến hiệu suất khử mặn của màng.
Nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Science, cho thấy hầu hết các màng hiện nay có mật độ thay đổi cao nên hiệu quả giảm. Bằng cách điều chỉnh mật độ đồng đều hơn trên quy mô nhỏ cho màng, các nhà nghiên cứu có thể tăng lượng nước sạch được xử lý bằng màng lọc.
Các màng có mật độ đồng đều mang lại hiệu quả cao hơn từ 30 - 40%, cho phép sản xuất nhiều nước sạch mà chỉ tốn ít năng lượng. Nghiên cứu này truyền cảm hứng cho việc triển khai các dự án khử mặn mới hiệu quả hơn để cung cấp nước sạch cho hộ gia đình, trang trại và các đối tượng sử dụng khác.
Enrique Gomez, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Quản lý nước ngọt đang trở thành thách thức lớn trên toàn thế giới. Thiếu nước, hạn hán cùng với sự gia tăng các mô hình thời tiết khắc nghiệt, sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, cần phải có sẵn nguồn nước sạch đặc biệt là cho các khu vực khan hiếm nguồn tài nguyên này".
Nghiên cứu mới được thực hiện sau khi các nhà khoa học tại DuPont nhận thấy màng khử muối dày hiệu quả hơn màng mỏng, trái ngược với đánh giá trước đây của các nhà khoa học. Hiện nay, các nhà khoa học đã lý giải được sự khác nhau về hiệu suất là do tính không đồng nhất trong các màng dày.
N.P.D (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2020/12/31/Scientists-figure-out-how-to-make-desalination-membranes-more-efficient/4121609434584/, 31/12/2020