Công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024
Cập nhật vào: Thứ hai - 30/12/2024 12:02 Cỡ chữ
Ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ Công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 (PII 2024).
Khung Chỉ số PII năm 2024
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chỉnh phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ KH&CN đã triển khai các bước xây dựng PII 2024 theo đúng chuẩn mực quốc tế cũng như theo đúng quy trình đã triển khai thành công năm 2023. Khung chỉ số PII 2024 được rà soát, điều chỉnh trên cơ sở khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO giới thiệu đánh giá kết quả PII 2023 và căn cứ hiện trạng dữ liệu, bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương.
Chỉ số PII năm 2024 có 52 chỉ số thành phần, chia làm 7 trụ cột. Năm trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST gồm: Thể chế; Vốn con người và Nghiên cứu và Phát triển; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; Tác động.
Dữ liệu phục vụ xây dựng PII 2024 được thu thập từ hai nguồn chính từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số) và nguồn do các địa phương thu thập, cung cấp (có 13/52 chỉ số). Cũng như chỉ số GII của WIPO có sử dụng nhiều kết quả từ các chỉ số/bộ chỉ số khác, PII sử dụng 11 chỉ số là kết quả của các chỉ số khác tại Việt Nam, như: Hiệu quả quản trị hành chính công cấp địa phương (PAPI), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR), chỉ số Chuyển đổi số (DTI). Do đó, việc biến động giá trị và xếp hạng của các địa phương trong các chỉ số khác này cũng sẽ tác động đến giá trị và xếp hạng của các địa phương trong PII.
Theo kết quả phân tích, đánh giá PII 2024, trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 5 thành phố trực thuộc trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển. Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là Hà Nội xếp hạng 1, Tp. Hồ Chí Minh xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3. Các địa phương tiếp theo gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 4 (PII 2023 xếp hạng 7), Đà Nẵng xếp hạng 5 (PII 2023 xếp hạng 4), Quảng Ninh xếp hạng 6 (PII 2023 xếp hạng 9), Cần Thơ xếp hạng 7 (PII 2023 xếp hạng 5), Bình Dương xếp hạng 8 (không thay đổi so với PII 2023), Thái Nguyên xếp hạng 9 (PII 2023 xếp hạng 10) và Bắc Giang xếp hạng 10 (PII 2023 xếp hạng 11).
Bộ KH&CN công bố Chỉ số PII năm 2024
Trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 3 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), 3 địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ (Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương), 2 địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Thái Nguyên, Bắc Giang), 1 địa phương thuộc vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung (Đà Nẵng) và 1 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ). So với bảng xếp hạng top 10 năm 2023, Bắc Ninh bị tụt hạng xuống vị trí 11, thay vào đó là Bắc Giang.
Năm 2024, các địa phương vùng Đông Nam bộ đã vượt qua các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để có điểm trung bình cao nhất trong 6 vùng KT-XH với 43.10 điểm. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao thứ hai, đạt 42.77 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 35.64 điểm và Đồng bằng sông Cửu Long với 33.69 điểm. Hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên tiếp tục có điểm số thấp nhất, lần lượt là 32.03 điểm và 31.60 điểm.
Xếp theo nhóm thu nhập, nhìn chung điểm số PII 2024 của các địa phương có tương quan với mức thu nhập bình quân đầu người. Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao đạt điểm trung bình cao nhất, 44.55 điểm. Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp có khoảng cách về điểm số khá xa so với nhóm thu nhập cao, kém tới 17.33 điểm.
Kết quả PII năm 2024 theo các Trụ cột cụ thể: Trụ cột 1. Thể chế: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Quảng Ninh, Ninh Thuận và Hải Phòng. Trụ cột 2. Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Trụ cột 3. Cơ sở hạ tầng: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Bình Dương, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Trụ cột 4. Trình độ phát triển của thị trường: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh. Trụ cột 5. Trình độ phát triển của doanh nghiệp: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Bắc Ninh, Hà Nội và Long An. Trụ cột 6. Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ: 3 địa phương dẫn đầu lật lượt là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Trụ cột 7. Tác động: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng.
Chỉ số PII cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển KT - XH dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương, qua đó giúp lãnh đạo của địa phương xác định, lựa chọn các chủ trương, các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng chính là để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
P.A.T (tổng hợp)