Doanh nghiệp đối mặt với áp lực "xanh hóa sản xuất"
Cập nhật vào: Thứ hai - 12/08/2024 00:10 Cỡ chữ
Từ đầu năm 2024, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đến TP. Hồ Chí Minh đều yêu cầu các đối tác và khu công nghiệp phải đạt tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững. Việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình "xanh hóa" đã không còn là xu hướng, mà trở thành yêu cầu tất yếu.
Toàn cảnh hội thảo "Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững" diễn ra ngày 08/8/2024
Cần tài chính xanh để chuyển đổi
Tại hội thảo "Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững" diễn ra ngày 08/8/2024, các chuyên gia nhấn mạnh áp lực ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và khu công nghiệp trong việc chuyển đổi xanh. Điều này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và đảm bảo sự bền vững trong một thế giới đầy bất ổn và không chắc chắn (BANI).
Hầu hết các khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã hoạt động trên 25 năm, nên việc chuyển đổi sang mô hình xanh là một thách thức lớn và cần thời gian. Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA), cho biết một khảo sát sơ bộ cho thấy 50% doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm khu công nghiệp/nha máy phát triển bền vững. Các rào cản chính trong quá trình chuyển đổi xanh bao gồm cơ chế chưa minh bạch và khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững vào mô hình doanh nghiệp hiện tại. Thách thức lớn nhất là vấn đề tài chính, vì việc chuyển đổi sản xuất xanh yêu cầu đầu tư vào máy móc, thiết bị công nghệ và hệ thống quản trị.
Ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS-Energy, cho rằng các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, nguồn lực và chính sách hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong giai đoạn khởi tạo và vận hành. Giải pháp như REGreen Factory có thể giúp doanh nghiệp tích hợp năng lượng tái tạo, tối ưu hóa chi phí, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn ESG và CSR, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, cho biết hiện có 5 xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh chính: tối ưu hóa năng lượng, sản xuất sản phẩm bền vững, giảm thiểu rác thải và tái chế, tăng cường công nghệ thông minh, và tiếp cận sản xuất tinh gọn. Theo bà, thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và công nghệ xử lý nước thải, dự kiến đạt 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20,8%.
Chuyển đổi sản xuất xanh sang tín chỉ carbon
Một trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm là việc chuyển đổi các nỗ lực sản xuất xanh thành tín chỉ carbon. Ông Vũ Trung Kiên, chuyên gia tín chỉ carbon và Giám đốc công ty NRG - Tan Nguyen JS, cho biết từ năm 2021, nhu cầu về tín chỉ carbon đã tăng mạnh và dự báo sẽ đạt từ 8.000 đến 13.000 MTCO2e mỗi năm. Nguồn cung cũng dự kiến sẽ tăng lên khoảng 8.000 MTCO2e mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Việc kiểm kê khí nhà kính được coi là bước đầu tiên để doanh nghiệp đánh giá lượng khí thải và xây dựng lộ trình giảm phát thải. Công nghệ xanh cung cấp các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu khí thải, trong khi tài chính xanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ này, tạo ra một vòng tròn phát triển bền vững.
Theo bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã thu hút 1,21 tỷ USD vốn FDI. Thành phố đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực và ứng dụng thành tựu công nghệ để nâng cao chất lượng và hiệu quả ngành công nghiệp. Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050, các nhà máy và khu công nghiệp cần thực hiện 8 nhiệm vụ đến năm 2030: Tăng công suất điện năng lượng mặt trời và điện gió, loại bỏ điện năng từ than, duy trì công suất phát điện từ khí tự nhiên, tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông không phát thải, gia tăng lượng máy bơm nhiệt, đảm bảo tất cả các tòa nhà và thiết bị mới đáp ứng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu thu hồi carbon và nhiên liệu trung hòa carbon, và xây dựng hệ thống truyền tải điện và dẫn khí CO2.
Doanh nghiệp cần đánh giá tác động của xu hướng chuyển đổi xanh và thuế carbon, xây dựng phương án sản xuất và kinh doanh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, theo dõi và cập nhật tình hình chuyển đổi xanh, làm quen với các phương pháp tính phát thải khí nhà kính, và báo cáo kịp thời với các cơ quan liên quan về các vấn đề phát sinh trong quá trình xanh hóa.
Đ.T.V (tổng hợp)