Giải pháp lấy nước ngầm kiểu mới
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/04/2019 13:26 Cỡ chữ
Mới đây, Văn phòng chương trình Tây Bắc, Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp nhà nước thuộc chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc: “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp nâng cao hiệu quả các công trình đập dâng vùng Tây Bắc”, do TS. Nguyễn Chí Thanh, Viện khoa học thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm.
Đề tài đã xây dựng được công trình thử nghiệm ứng dụng giải pháp lấy nước ngầm kiểu mới thay thế kiểu lấy nước truyền thống cho công trình đập dâng tại xã Cốc San, Bát Xát, Lào Cai.
Sau 2 năm triển khai đến nay, đề tài sản phẩm đã được đăng ký sáng chế “Phương pháp thu nước ngầm đáy sông, suối kiểu nằm ngang do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học công nghệ cấp”. Bên cạnh hoạt động thực tiễn, đề tài còn có 4 bài báo khoa học, 2 đầu sách chuyên khảo sắp xuất bản và đào tạo được 2 thạc sĩ.
Theo ông Đinh Văn Sửu, phó chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Lào Cai, với đặc điểm nổi bật của khí hậu vùng Tây Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng, lượng mưa quá thấp chỉ vào khoảng 1.500 mm, trong khi đó lượng bốc hơi hàng năm lên đến 800 mm. Địa hình vùng Tây Bắc vô cùng hiểm trở có độ dốc lớn và bị phân cắt rất mạnh là các dãy núi cao xen lẫn các thung lũng nhỏ hẹp. Các thung lũng này thường bị chia cắt bởi các sông suối nhỏ. Các đặc thù tự nhiên nêu trên tạo cho khu vực Tây Bắc có các khu vực trồng lúa (khu tưới) nhỏ hẹp với diện tích phổ biến từ 10 đến 50 ha. Để cấp nước phục vụ sản xuất cho các khu tưới đó thì công trình hiệu quả nhất là đập dâng. Do vậy, hàng năm khi lũ về đập thường bị hư hỏng, bị bồi lấp, cuốn trôi... dẫn đến hiệu quả cấp nước của các công trình này bị suy giảm nghiêm trọng. Theo kết quả thống kê của các tỉnh trên địa bàn nghiên cứu, hầu hết các công trình đập dâng này chỉ đảm bảo được khoảng 50 - 60% năng lực so với thiết kế, thậm chí rất nhiều công trình không còn khả năng cấp nước.
Ông Sửu đánh giá cao mô hình thiết kế đập dâng, mô hình này đạt tiêu chí của đơn vị đặt hàng. Ông mong muốn chương trình Tây Bắc phối hợp với đơn vị chủ trì đề tài sớm triển khai rộng rãi dự án mô hình thu nước ngầm này, để bà con địa phương thuộc tỉnh Lào Cai có nguồn nước ổn định để tăng gia sản xuất, cũng như thay hệ thống lọc thô của hệ thống cấp nước sạch của địa phương hiện nay.
TS. Nguyễn Chí Thanh cho biết, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã nghiên cứu sâu và đã đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đập dâng, các vấn đề như: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, tính dễ bị tổn thương. Qua quá trình vận hành được các chuyên gia, người dân địa phương đánh giá đạt hiệu quả thu nước tốt, thi công nhanh và đơn giản, dễ dàng vận hành và bảo dưỡng, độ ổn định cao đã được kiểm chứng là ổn định sau 2 đợt lũ lớn.
Các đoàn kiểm tra, thanh tra của Sở, Bộ khoa học và công nghệ cùng với các chuyên gia đã có kết luận và đánh giá cao về tính hiệu quả, tính sáng tạo của công nghệ và đã có đề nghị bằng văn bản để cho phép tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình.
Được biết, chương trình khoa học và công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (chương trình Tây Bắc) là chương trình có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.
ĐHQGHN được giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai chương trình từ năm 2013 - 2018. Ban chủ nhiệm chương trình gồm 11 người do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, giám đốc ĐHQGHN làm chủ nhiệm.
Giai đoạn 2013 - 2018, có 58 đề tài, dự án đã và đang triển khai 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Theo KHPT