Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2023
Cập nhật vào: Thứ hai - 20/03/2023 11:01 Cỡ chữ
Ngày 17/3/2023 tại tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị
Tham dự hội nghị, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Lê Xuân Định và Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Đại diện tỉnh Bình Định có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ của 63 tỉnh, thành phố và các cán bộ quản lý công tác ở các địa phương của các Sở Khoa học và Công nghệ trong cả nước.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Do đó, tại Hội nghị Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ lần này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các Sở Khoa học và Công nghệ tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề trọng tâm như: tổng kết đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của các địa phương năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, định hướng công tác năm 2024 và những năm tiếp theo; thảo luận hướng dẫn xây dựng kế hoạch KHCN&ĐMST năm 2024; tập trung khơi thông các nguồn lực để phát triển KH&CN; triển khai những nội dung liên quan đến xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (GII cấp tỉnh); các hoạt động nghiên cứu KHCN&ĐMST tại các địa phương hướng tới chuyển đổi số; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất… Bên cạnh đó, thảo luận luận các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư cho KH&CN; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực KHCN&ĐMST hiệu lực, hiệu quả.
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết năm 2022, các Sở KH&CN đã tham mưu cho tỉnh/thành ủy, HĐND, UBND các địa phương ban hành được 384 văn bản bao gồm các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Quyết định... quản lý, kế hoạch triển khai thực hiện, nhiều cơ chế chính sách có tính đột phá ở các lĩnh vực như: Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chính sách phát triển tài sản trí tuệ, chuyển đổi số…
Công tác đầu tư tăng cường tiềm lực cho KH&CN, kiện toàn tổ chức bộ máy và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai đồng bộ. Nhiều địa phương đã chủ động tham mưu cho tỉnh bố trí ngân sách chi cho KH&CN cao hơn so với Trung ương phân bổ. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN được bảo đảm, nhiều địa phương đã đẩy mạnh áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ… Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844. Hơn 20 địa phương đã và đang kết nối các nguồn lực thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; có hơn 1.000 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 200 không gian làm việc chung. Mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, kết nối hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước. Hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN, kết nối cung cầu công nghệ, tổ chức các cuộc thi… có bước phát triển tốt. Các hoạt động này ở các đô thị lớn, trung tâm như TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre… đã lan tỏa và thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia, kết nối với nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài như Hà Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, các nước EU… Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các địa phương cũng tiếp tục được quan tâm thực hiện, nhiều kết quả ứng dụng tốt vào sản xuất như các quy trình công nghệ mới được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác phát triển nhiều nguồn gen sinh vật quý hiếm, đặc hữu, trồng và chế biến dược liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tại Hội nghị, một số ý kiến của các đại biểu cho rằng, hiện nay hoạt động KH&CN tại các địa phương vẫn còn trầm lắng. Việc ban hành một số văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN còn chậm, một số nội dung chưa thực sự phù hợp với thực tế ở địa phương, gây khó khăn cho công tác tổ chức triển khai hoạt động KHCN&ĐMST, nhất là các đơn vị sự nghiệp KH&CN, doanh nghiệp KH&CN. Hơn nữa, các địa phương chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KH&CN, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn. Nguồn nhân lực KH&CN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách thuận lợi cho hoạt động KHCN&ĐMST, như: Luật KH&CN năm 2013; Nghị định 70 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, các Thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia… Đặc biệt, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư cho KH&CN để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo của các địa phương và ngoài nước… Mục tiêu để KHCN&ĐMST thực sự là giải pháp quan trọng, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng cũng như của cả nước.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các Sở KH&CN khẩn trương, chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của các vùng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN&ĐMST ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng cho các tổ chức, doanh nghiệp KHCN. Đồng thời tăng cường hợp tác với các đại học, trường đại học, các viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN&ĐMST. Ngoài ra, các địa phương cần triển khai việc xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (cấp tỉnh). Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.
P.A.T (Tổng hợp)