Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ Vùng Đông Nam Bộ lần thứ XVI
Cập nhật vào: Thứ hai - 20/11/2023 12:01 Cỡ chữ
Ngày 17/11/2023, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ Vùng Đông Nam Bộ lần thứ XVI và triển khai Nghị quyết 154/NQ-CP về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng (KH,CN&ĐMST) vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2019-2023, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 154 ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương cho biết, từ năm 2019 đến nay, các tỉnh/thành phố đã ban hành 101 văn bản quản lý về chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương... Giai đoạn 2019-2023, Vùng chịu tổn thất nặng nề nhất cả nước do đại dịch Covid-19 nhưng Đông Nam Bộ vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của Vùng và từng địa phương.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Vùng đã hình thành những địa phương có các loại cây chuyên canh lớn, triển khai các mô hình theo quy trình VietGAP. Mỗi tỉnh/thành phố đều có những tiềm năng, thế mạnh riêng trong định hướng phát triển của Vùng như Đồng Nai với gần 52.000 ha cây ăn trái (chuối, thanh long, cam, bưởi...), Bà Rịa - Vũng Tàu có thanh long ruột đỏ Bông Trang, bưởi da xanh Sông Xoài, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi, chôm chôm, mãng cầu và quýt... Đồng thời, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm, phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.
Trong lĩnh vực công nghiệp, năm 2022, GRDP công nghiệp của Vùng đạt trên 1.150.000 tỷ đồng, chiếm 37,7% GDP công nghiệp của cả nước. Chất lượng tăng trưởng chuyển biến theo hướng tích cực, cơ cấu ngành, sản phẩm công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng; dịch chuyển dần từ các ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày) sang một số ngành sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, ngành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng giá trị gia tăng của công nghiệp tăng từ 54,4% năm 2011 lên 81,1% năm 2020 và khoảng 77,7% năm 2022. Công nghiệp công nghệ cao đang dần phát triển với các doanh nghiệp tập trung nhiều ở TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong lĩnh vực y tế, các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực y - dược đã được quan tâm đầu tư tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển giao kỹ thuật công nghệ, giải pháp phòng và điều trị các bệnh và quản lý y tế cộng đồng.
Đông Nam Bộ được xem là Vùng dẫn đầu cả nước về hoạt động ĐMST và khởi nghiệp. Các tỉnh/thành phố trong Vùng đã ban hành Kế hoạch về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp. Toàn Vùng đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 141 doanh nghiệp; 104 doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ được khuyến khích phát triển.
Các địa phương đi đầu trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST có TP. Hồ Chí Minh với hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, gần 100 Quỹ đầu tư mạo hiểm; Đồng Nai đã hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp ĐMST năm 2022; Bình Dương với không gian mở Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và gần 100 doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp ĐMST...
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN ở tỉnh/thành phố được tăng cường, hiệu lực quản lý được cải thiện ngày một tốt hơn. Các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và thanh tra đã phát huy vai trò tích cực trong ngăn chặn các hành vi gian lận trong thương mại, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Công tác sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ mặc dù còn những hạn chế song cũng đã có những hoạt động triển khai cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở doanh nghiệp trong việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập; nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn bức xạ trong các đơn vị sử dụng các thiết bị có sử dụng nguồn bức xạ.
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh, Đông Nam Bộ là Vùng kinh tế quan trọng và lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, KH,CN&ĐMST của khu vực phía Nam. Tốc độ tăng trưởng và tổng sản phẩm GRDP của Vùng luôn ở mức cao nhất. Cơ cấu kinh tế của Vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao và trung bình cao tăng bình quân khoảng 10%/năm. Sự tăng trưởng này phản ánh quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm tiêu dùng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng nhưng những kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Vùng, chưa thực sự trở thành động lực để duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thứ trưởng, cần tổng kết, đánh giá và nhìn nhận lại KH&CN đã thực sự là động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, sự đồng bộ giữa pháp luật và thực thi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH&CN; có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp, gắn với doanh nghiệp; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Đặc biệt, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, những nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Vùng và của đất nước.
Tại Hội nghị, bên cạnh việc đánh giá kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST của Vùng giai đoạn 2019-2023 và trao đổi, thảo luận những vấn đề vướng mắc trong thực tế triển khai các hoạt động KH,CN&ĐMST, Lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã cung cấp thông tin, làm rõ nhiều vấn đề về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, truy xuất nguồn gốc nông sản... Hội nghị đã đề xuất được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thống nhất hành động để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH,CN&ĐMST, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như của cả Vùng trong thời gian tới.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các Sở KH&CN Vùng Đông Nam Bộ.
P.A.T (Tổng hợp)