Hội nghị lần thứ 21 Liên hợp Thư viện Việt Nam về Nguồn tin khoa học và công nghệ
Cập nhật vào: Thứ hai - 19/08/2024 11:03 Cỡ chữ
Ngày 17/8/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã tổ chức Hội nghị lần thứ 21 Liên hợp Thư viện Việt Nam về Nguồn tin khoa học và công nghệ. Tham dự Hội nghị có ông Lê Xuân Định - Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Đắc Hiến - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia - Chủ tịch Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin khoa học và công nghệ; Ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan thông tin-thư viện trong cả nước.
Ông Trần Đắc Hiến phát biểu khai mạc Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia khẳng định mô hình tổ chức và hoạt động của Liên hợp thư viện là đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với xu hướng của thế giới, nhất là trong điều kiện quy mô các thư viện chủ yếu là vừa và nhỏ, tài chính hoạt động eo hẹp, công nghệ quản trị thư viện còn lạc hậu và không đồng bộ... Trong 20 năm qua, Liên hợp thư viện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp tăng cường tiềm lực thông tin cho các cơ quan thông tin - thư viện, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả kinh phí bổ sung nguồn tin KH&CN, phục vụ hiệu quả cho cộng đồng nghiên cứu và đào tạo, góp phần thực hiện yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Các cơ sở dữ liệu Proquest và ScienceDirect được bổ sung trong khuôn khổ Liên hợp đã phát huy hiệu quả, được các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tin tưởng sử dụng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam trong những năm qua.
Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cũng đã chỉ ra một số khó khăn và hạn chế của Liên hợp. Điển hình các hoạt động hợp tác liên thông thư viện, phát triển thư viện điện tử, chia sẻ tài nguyên số, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thông tin - thư viện… còn chậm và chưa thật sự hiệu quả như mong muốn. Nguồn lực tài chính đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và bổ sung, phát triển dữ liệu số của các trung tâm thông tin - thư viện còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Trên cơ sở đó, Cục trưởng đề xuất Hội nghị cùng thảo luận và đề xuất các giải pháp để phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai những nhiệm vụ mới trong giai đoạn 2025-2030.
Sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Liên hợp thư viện là một trong những cơ chế phối hợp bổ sung nguồn tin hết sức quan trọng của Đề án. Do đó, Liên hợp cần đánh giá thực tiễn 20 năm qua và định hướng hoạt động phù hợp trong giai đoạn đến năm 2030.
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá Liên hợp thư viện về nguồn tin KH&CN đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, tập hợp nguồn lực của các cơ quan thông tin, thư viện trong cả nước để tăng cường năng lực đàm phán bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế và chia sẻ các nguồn tin nội sinh. Hoạt động của Liên hợp góp phần quan trọng vào việc triển khai Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Thư viện, Đề án 1285 về phát triển nguồn tin KH&CN và Chương trình chuyển đổi số quốc gia… Ngoài ra ông đánh giá cao một trong những giá trị cốt lõi của Liên hợp 20 năm qua là đã góp phần đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thông tin-thư viện và người dùng tin tại các đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, ông nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Liên hợp thư viện. Như việc một số công việc được đề ra tại các Hội nghị hằng năm nhưng việc triển khai chậm hoặc không triển khai, nhất là những hoạt động liên quan đến chia sẻ dữ liệu và xây dựng nền tảng dùng chung. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo có nhiều yêu cầu mới đặt ra đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ thông tin, thư viện KH&CN. Những xu hướng mới này càng khẳng định vai trò quan trọng của Liên hợp thư viện trong việc liên kết, thúc đẩy các sáng kiến chung về chuyển đổi số, nhưng cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi Liên hợp phải chuyển đổi mạnh mẽ để tạo ra những động lực mới cho sự phát triển, không chỉ dừng lại ở hoạt động phối hợp bổ sung nguồn tin đơn thuần.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng nêu những nhiệm vụ chính cần tập trung nghiên cứu và triển khai để Liên hợp thư viện phát triển cả về chất và lượng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030:
1. Nghiên cứu đề xuất triển khai cơ chế phối hợp bổ sung các cơ sở dữ liệu quốc tế cho các đơn vị thành viên trên cơ sở tăng cường xã hội hóa, giảm sự phụ thuộc vào cơ quan bảo trợ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
2. Tiếp tục phổ biến và thúc đẩy sử dụng các nền tảng mở Openscience.vn và V-Compas tại các đơn vị thành viên Liên hợp thư viện. Đồng thời, tập trung triển khai một số nhiệm vụ còn tồn đọng từ Hội nghị năm 2023 (xây dựng OPAC và trang web liên kết các nguồn tin sẵn có của Liên hợp Thư viện; Triển khai phần mềm quản lý thư viện số của Đại học Thái Nguyên).
3. Triển khai thí điểm Hệ thống định danh cán bộ nghiên cứu (RID) kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại các đơn vị thành viên Liên hợp thư viện, làm cơ sở để xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
4. Nghiên cứu các giải pháp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, trong đó bao gồm các dịch vụ kỹ thuật số tích hợp trợ giúp cho các nhà nghiên cứu trong toàn bộ chu trình nghiên cứu từ khâu hình thành ý tưởng cho tới khi công bố kết quả nghiên cứu và quảng bá hậu công bố.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Hội nghị của Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN được tổ chức định kỳ hằng năm, là dịp để đơn vị thành viên, quan sát viên tổng kết, đánh giá hoạt động năm vừa qua, thảo luận định hướng trong năm tiếp theo và tăng cường giao lưu, học hỏi về chuyên môn trong lĩnh vực thông tin - thư viện.
NASATI