Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực
Cập nhật vào: Thứ hai - 13/12/2021 14:19 Cỡ chữ
Ngày 11/12/2021, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: TTXVN)
Hội nghị nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các tổ chức dẫn đầu về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam, nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ và đề xuất những giải pháp góp phần phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Tham dự Hội nghị có ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; ông Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ông Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, KHCN&ĐMST là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Từ thực tiễn hoạt động KHCN&ĐMST trong thời gian qua và yêu cầu cấp thiết của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, diễn đàn nhằm thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về KHCN&ĐMST, đồng bộ với các pháp luật liên quan. Trong đó, tập trung vào các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách nhằm phát triển thị trường KH&CN, thương mại hoá kết quả nghiên cứu... Ngay trong nhiệm kỳ này, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đăng ký trình Quốc hội 5 luật, đều là những luật sẽ có tác động lớn đến hoạt động KHCN&ĐMST (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã “đặt hàng” Bộ nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng Luật Vũ trụ quốc gia trong thời gian tới. Quá trình xây dựng văn bản pháp luật này rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại hai Viện Hàn lâm, hai Đại học Quốc gia. Sự tham gia từ sớm của các nhà khoa học, các nhà quản lý chắc chắn sẽ cung cấp được nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp các chính sách này gần gũi hơn với cuộc sống, mang lại hiệu quả chung cho ngành, cũng như cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe của ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST, trình bày Báo cáo “Xây dựng Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, phát triển KHCN&ĐMST được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một số đại biểu cho rằng cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam cần “tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam” mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học, công nghệ nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ. Về đổi mới sáng tạo, một số đại biểu cho rằng đổi mới sáng tạo có tính liên ngành, do đó cần thành lập Hội đồng Đổi mới sáng tạo quốc gia do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng; Nhà nước cần giao quyền Sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu; cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các spin-off tại các viện nghiên cứu và trường đại học lớn. Đặc biệt cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn.
Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học, theo đại diện của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm “nền tảng”, nhân sự - hợp tác – tài chính là “trụ cột” và các định hướng đột phá là “mũi nhọn”; đầu tư tập trung các lĩnh vực có tiềm lực và thế mạnh. Tiếp tục đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh/ Trung tâm xuất sắc nghiên cứu liên ngành làm chủ công nghệ nền. Định hướng phát triển liên kết đại học - doanh nghiệp theo kinh nghiệm quốc tế; định hướng phát triển khởi nghiệp gắn với môi trường học thuật; cần xây dựng hạ tầng kinh tế số về giáo dục, y tế; các trường đại học cần xây dựng lộ trình công nghệ nhất định để có chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm nghiên cứu khoa học cao; cùng nhau giải quyết bài toán đặt hàng của nhà nước và doanh nghiệp; cần gắn chiến lược KHCN&ĐMST với giáo dục đào tạo; tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu KH&CN công lập và tư nhân; hình thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo đầy đủ các lực lượng như viện/trường/doanh nghiệp…; cần đo lường hoạt động về ĐMST cụ thể để đánh giá toàn diện khía cạnh KH&CN Việt Nam, để làm được cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ; nên có chiến lược đào tạo nhân lực khoa học giai đoạn 10 năm theo hướng cá thể hóa.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã trình bày những vấn đề quan trọng về phát triển KHCN&ĐMST và phát triển nguồn nhân lực từ quy mô địa phương đến quốc gia, từ các tổ chức đào tạo đến các tổ chức nghiên cứu hàng đầu, từ những vấn đề vướng mắc cụ thể đến các vấn đề về cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng KHCN&ĐMST... Bộ trưởng khẳng định: Với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN&ĐMST, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị, cũng như các vấn đề liên quan nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.
Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022
Nhân dịp này, các cơ quan tham dự cũng đã cùng nhau ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tới nhằm gắn kết giữa các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung để góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và lan tỏa sự liên kết này đến các thành phần rộng rãi hơn.
P.A.T (NASATI)