Hội thảo khoa học về đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chất bán dẫn giữa Việt Nam và Nhật Bản
Cập nhật vào: Thứ năm - 31/10/2024 13:01 Cỡ chữ
Ngày 29/10/2024, Hội thảo khoa học về đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chất bán dẫn giữa Việt Nam và Nhật Bản đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Fukuoka, thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và quan chức từ hai nước, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất chất bán dẫn, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác Việt-Nhật.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka phối hợp cùng Đại học Kyushu và Tổ chức hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản (HuRedee) tổ chức, thu hút sự tham gia của 150 đại biểu trực tiếp và 200 đại biểu trực tuyến. Về phía Việt Nam, các đại biểu đến từ nhiều cơ quan lớn như Bộ Ngoại giao, các trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật như Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh, cùng với Hội Chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp hội Công nghệ thông tin Việt Nam tại Kyushu.
Sự kiện này là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Hội thảo mở ra cơ hội để đại diện hai quốc gia cùng chia sẻ những hiểu biết chuyên môn, từ đó tăng cường quá trình chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam có thêm các cơ hội thực tập và việc làm tại Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, nhấn mạnh vai trò quan trọng của chất bán dẫn trong nền công nghiệp hiện đại. Bà chia sẻ: “Chất bán dẫn là nền tảng công nghệ cho các ngành sản xuất thiết yếu, và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.” Theo bà, sự hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực này là cơ hội quý báu để cả hai nước cùng khai thác và phát triển tiềm năng to lớn của ngành bán dẫn, hướng tới phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế.
Phía Nhật Bản cũng đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. Tiến sĩ Tanimoto Jun, Phó Chủ tịch Đại học Kyushu, cho biết Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản, bởi Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết, và tiềm năng phát triển. Hiện tại, có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học và nghiên cứu về bán dẫn tại Đại học Kyushu. Họ được kỳ vọng sẽ là nòng cốt trong mạng lưới chuyên gia bán dẫn Nhật Bản - Việt Nam trong tương lai, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao này.
Bán dẫn không chỉ là ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản mà còn đóng vai trò chiến lược trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số của toàn cầu. Ông Soramoto Seiki, Hạ nghị sĩ kiêm chuyên gia về năng lượng nguyên tử và bán dẫn, khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản là yếu tố thiết yếu để phát triển công nghệ bán dẫn. Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác sẽ giúp cả hai quốc gia phát triển các kỹ thuật tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực, mở ra tiềm năng đưa sản phẩm bán dẫn của cả hai nước ra thị trường quốc tế.
Khu vực Kyushu và thành phố Fukuoka hiện được xem là trung tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản với hơn 1.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm các mảng thiết kế, sản xuất, vật liệu, và thử nghiệm. Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka, bà Omagari Akie, cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, tỉnh Fukuoka đã thành lập Trung tâm Huấn luyện lại về bán dẫn vào tháng 8/2023. Trung tâm này đóng vai trò như một cơ sở đào tạo, tăng cường kỹ năng cho lao động trong ngành bán dẫn, không chỉ phục vụ khu vực Kyushu mà còn mở rộng cho cả Nhật Bản và các đối tác quốc tế, bao gồm Việt Nam.
Để chuẩn bị cho chiến lược dài hạn, Nhật Bản dự định sẽ thu hút thêm nguồn nhân lực từ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong ngành bán dẫn. Ông Hoshino Mitsuaki, Cục trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kyushu, đánh giá cao vai trò của nhân lực Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản, đồng thời bày tỏ mong muốn thiết lập chuỗi cung ứng bền vững cho ngành này thông qua hợp tác với Việt Nam.
Ngoài ra, Chủ tịch Tổ chức HuRedee, ông Fujishima Yasuyuki, cũng nêu bật quan hệ hợp tác giữa tổ chức này và các trường đại học Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hiện HuRedee đã hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải và Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM trong việc phát triển nhân lực cho ngành bán dẫn. Trong 2 ngày hội thảo, các chuyên gia từ hai nước sẽ cùng nhau thảo luận về các thách thức và cơ hội hợp tác, với hy vọng sẽ đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường sự hợp tác trong tương lai.
Kết thúc phiên làm việc ngày 29/10, một lễ ký kết tuyên bố chung về “Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn” đã diễn ra, giữa Đại học Kyushu, Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực và việc làm Nhật Bản, với Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải và Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận với công nghệ hiện đại và có cơ hội làm việc tại Nhật Bản, góp phần vào việc xây dựng mạng lưới chất bán dẫn toàn cầu.
Hội thảo khoa học đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam - Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 30/10 tại Chikushi Campus, Đại học Kyushu, mang lại thêm nhiều cơ hội để các bên tiếp tục thảo luận và định hình chiến lược hợp tác trong thời gian tới.
P.A.T (tổng hợp)