Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á
Cập nhật vào: Thứ tư - 04/10/2023 00:02 Cỡ chữ
Ngày 29/09/2023, tại Hà Nội, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn cùng với các đối tác, cơ quan chính phủ và giới học thuật đã tụ họp để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề "Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á". Đây là sự kiện thường niên quan trọng, nơi họ có cơ hội thảo luận về tiềm năng tăng trưởng trong ngành công nghiệp điện tử - bán dẫn tại Việt Nam và cách kết nối với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam do Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Đông Nam Á (SEMI) tổ chức và được sự ủng hộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam: Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA); Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng nhiều tổ chức hữu quan khác.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh rằng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 đã xác định việc phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ phương hướng này, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tập trung vào việc phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Bộ trưởng cho biết, để thực hiện chiến lược tham gia tích cực vào Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đã xác định các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, là một trong những lĩnh vực có tiềm năng đột phá, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định rằng Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành khác xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Điều này bao gồm việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50,000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Ngoài ra, Việt Nam có một nguồn lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Có các đơn vị nghiên cứu và đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan trong lĩnh vực bán dẫn. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm chiến lược toàn diện cũng đã xác định hợp tác trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty và tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư vào ngành bán dẫn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo luật Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và ba khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, sẵn sàng đón đầu các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn với những ưu đãi đặc biệt. NIC và các khu công nghệ cao sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á sẽ mở ra cơ hội hợp tác trong khu vực.
Hội nghị năm nay gồm các phiên đối thoại trong ngành tập trung vào những nỗ lực của hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, và nêu bật những lợi thế cạnh tranh của khu vực, bao gồm các chính sách ưu đãi của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư và các cơ hội hợp tác mới vào Việt Nam. Các công ty bán dẫn chia sẽ chia sẻ quan điểm của họ về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Chuỗi hôi nghị và bài phát biểu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về triển vọng thị trường ngành công nghiệp chip, những thách thức mà ngành bán dẫn phải đối mặt, bối cảnh nhân tài và lộ trình phát triển ngành bán dẫn Việt Nam.
P.A.T (tổng hợp)