Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' thúc đẩy tăng giá trị ngành nông nghiệp
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/01/2019 04:08 Cỡ chữ
Theo ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển đầy ấn tượng sau hơn 30 năm đổi mới vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Từ một nước còn thiếu lương thực trầm trọng những năm 80 trở về trước, đến nay, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã được coi là cường quốc về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, đứng thứ 15 trên thế giới với trên 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (gạo, rau quả, sắn, cao su, cà phê, tiêu, điều, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm gỗ), xuất khẩu tới trên 180 nước, đạt kim ngạch trên 40 tỷ USD. Một số sản phẩm của ngành chăn nuôi như thịt lợn mảnh, thịt gà… trước đây chúng ta chỉ nhập khẩu thì đến năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đã xuất khẩu đi một số nước (thịt lợn được xuất khẩu đi Myanmar, thịt gà được xuất khẩu đi Nhật Bản).
“Trong sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam phải nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của KH&CN. Chính KH&CN đã tạo ra các giống mới, nhất là các giống lúa chất lượng cao giúp giá gạo của Việt Nam tăng lên ngang bằng với Thái Lan, thậm chí còn cao hơn. Cùng với các giống mới, những tiến bộ KH&CN mới, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến được ứng dụng trên quy mô ngày càng rộng rãi đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ NN&PTNT, KH&CN đã đóng góp tối thiểu 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Liễu cho hay.
Đánh giá về thực trạng việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp hiện nay, ông Liễu cho rằng mặc dù năng lực ứng dụng các thành tựu KH&CN trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam tăng khá nhanh, một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 ngày càng phổ biến trong những năm gần đây, song nhìn chung, trình độ công nghệ, tình hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp của nước ta chưa đáp ứng kịp nhu cầu tăng nhanh sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Do vậy, rất cần đẩy mạnh áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trong quản lý sản xuất để hàng nông sản Việt Nam có được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường trong nước cũng như thế giới.
Bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green Path Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có điều kiện phát triển về nông nghiệp và cũng đang áp dụng KHCN để cải thiện về năng suất và hiệu quả chất lượng sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự định hướng cụ thể về việc áp dụng các ứng dụng KH&CN mới vào việc sản xuất nhằm tôn trọng sự phát triển tự nhiên, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, cụ thể là việc thực hiện sản xuất sản phẩm theo xu hướng hữu cơ.
Hiện nay, thực trạng sử dụng phân bón hoá học, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề nan giải, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sức khoẻ của người nông dân cũng như chất lượng môi trường sống. Bằng những hành động nhỏ của người nông dân khi tham gia vào sản xuất như thu gom rác thải bao bì các sản phẩm sử dụng ngoài đồng ruộng; sử dụng đúng liều lượng phân bón… sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường cũng như sự an toàn về sản xuất và sức khoẻ cho chính người nông dân. “Điều đó cho thấy, việc nhận thức về áp dụng KHCN không có gì cao xa, mà những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực diễn ra hằng ngày trong đời sống đều có thể giúp ích cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam”, bà Hương nhấn mạnh.
Đẩy mạnh thành tựu của công nghiệ 4.0 vào nông nghiệp
Liên quan tới những giải pháp để phát triển nông nghiệp Việt Nam trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, ông Nguyễn Văn Liễu cho rằng cần làm tốt hơn nữa việc đưa nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn sản xuất. Hiện cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4 với 3 trụ cột công nghệ chính là công nghệ kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở dữ liệu lớn (BigData) đang tạo ra những cơ hội và thách thức trong sự phát triển của toàn thế giới. Chính vì vậy, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo chỉ thị này, có 3 tỉnh được chọn thí điểm. Trong các nội dung làm thí điểm có rất nhiều nội dung liên quan tới ứng dụng thành tựu của 4.0 trong nông nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của 4.0 trong nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương khẳng định, trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần chú trọng vào những vấn đề sau: Một là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ IoT trong thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, làm sao để có thể sử dụng các thiết bị thông minh vào kiểm soát, điều khiển trong quá trình sản xuất nông nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hai là, xây dựng và thực thi chiến lược trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (BigData) trong sản xuất nông nghiệp. Các dữ liệu về điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu), điều kiện kinh tế, xã hội; các dữ liệu về thông tin KH&CN; các dữ liệu về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu trí tuệ; các dữ liệu về thông tin thị trường, giá cả… trước hết là đối với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương, của vùng.
Nguồn VietQ.vn
phát triển, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, ấn tượng, lương thực, trầm trọng, trở về, cường quốc, nông lâm, thủy sản, thế giới, mặt hàng, cao su, cà phê, tiêu điều, sản phẩm, chăn nuôi, trước đây, nhập khẩu, mạnh mẽ