Kinh nghiệm phát triển công nghệ hỗ trợ tại một số quốc gia châu Á
Cập nhật vào: Thứ hai - 18/11/2024 00:06 Cỡ chữ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài. Công nghiệp hỗ trợ không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, mà còn tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là một nhiệm vụ mà nhiều quốc gia trên thế giới cần chú trọng.
Tại châu Á, các quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan sớm nhận thấy tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và gặt hái được thành tựu nổi bật. Nhờ đó, mặc dù không sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc nguyên liệu sẵn có, các nước này vẫn xây dựng được ngành công nghiệp có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nhật Bản - Chính sách hỗ trợ linh hoạt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Nhật Bản được biết đến với nhiều doanh nghiệp đạt tầm cỡ thế giới, như Toyota, Honda, Sony..., nhưng chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp của nước này và chủ yếu ở khâu lắp ráp, sản xuất cuối cùng. Phần lớn còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 70% lực lượng lao động của cả nước, chuyên sâu sản xuất các mặt hàng linh kiện và phụ tùng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ là nền tảng cơ bản của chuỗi giá trị công nghiệp, là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản, với mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp lớn trong công nghiệp chế tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Nhật Bản đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lực lượng này với nhiều biện pháp linh hoạt.
Ngay từ những năm 40, ngành cơ khí ở Nhật Bản phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu về đầu vào của các sản phẩm này tăng nhanh chóng, thúc đẩy doanh nghiệp lớn hợp tác với doanh nghiệp nhỏ hơn để cung cấp linh kiện. Năm 1949, Nhật Bản ban hành Luật hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm bảo vệ quyền lợi đàm phán của doanh nghiệp nhỏ, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận công nghệ mới và nguồn vốn vay. Tiếp đó, Nhật Bản ban hành một loạt văn bản cụ thể đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn, như Luật Phòng chống trì hoãn thanh toán chi phí thầu phụ (năm 1956), Luật Cơ bản về doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 1963), Luật Xúc tiến doanh nghiệp thầu phụ vừa và nhỏ (năm 1970), Luật Thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 1999), thành lập Viện Công nghệ và Quản lý kinh doanh nhỏ (năm 1973), Trung tâm Thông tin kinh doanh nhỏ (năm 1984). Đặc thù của ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nguồn vốn lớn và công nghệ cao, do đó chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản tập trung vào hai mục tiêu chính là hỗ trợ tài chính và phát triển công nghệ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ có cơ hội vay vốn với lãi suất ưu đãi, mà còn được tạo điều kiện để tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ.
Trong giai đoạn hiện nay, chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và thích ứng với thay đổi về kinh tế - xã hội. Trong các năm xảy ra đại dịch COVID-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này được hưởng lợi từ các khoản vay “0 - 0”, nghĩa là không cần trả lãi hoặc gốc trong một khoảng thời gian được quy định. Khi thời hạn này kết thúc (được tính đến năm 2023), doanh nghiệp phải chi trả các khoản nợ nhằm tránh bị tăng khoản nợ. Những năm gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, dân số suy giảm, đồng yên yếu khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chật vật hoạt động. Để ứng phó với bối cảnh mới, tháng 7-2024, chính phủ Nhật Bản nhận thức sẵn sàng đối mặt với thực trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả buộc phải đi đến phá sản, phản ánh nhu cầu cấp thiết thay thế doanh nghiệp trì trệ bằng doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng. Sự thay đổi này có thể không diễn ra nhanh chóng, nhưng thể hiện bước tiến mới trong chính sách của Nhật Bản, vốn thường tránh việc phá sản và không ngại “hy sinh” năng suất để bảo vệ việc làm hiện có.
Có thể thấy, Nhật Bản chú trọng đổi mới chính sách bám sát tình hình thực tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động ổn định, tránh tác động xấu từ bên ngoài. Sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng góp phần quan trọng vào vị thế cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô và điện tử.
Bên cạnh đó, với xuất phát điểm là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản nhận thức rõ vai trò của con người như một lợi thế cạnh tranh trong quá trình phát triển kinh tế. Sự phát triển kinh tế của Nhật Bản trên mọi lĩnh vực đều gắn liền với vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng không phải là ngoại lệ. Nhật Bản phát triển hệ thống giáo dục phổ thông tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể tiếp cận, bắt đầu từ giáo dục tiểu học và mở rộng đến cấp trung học cơ sở, theo mô hình 6-3-3-4. Nước này còn chú trọng phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề, không chỉ bổ sung cho giáo dục chính quy, mà còn mở ra cơ hội cho người dân không tham gia cấp đại học. Nhờ đó, Nhật Bản đã phát triển một nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng, góp phần vào sự thành công của nền kinh tế nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Hàn Quốc - Xây dựng doanh nghiệp đầu tàu và thúc đẩy khoa học - công nghệ
Từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu và kinh tế kém phát triển, Hàn Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành một cường quốc tầm trung trên thế giới. Sự chuyển mình đáng kinh ngạc này được biết đến với “kỳ tích sông Hàn”, phần lớn nhờ vào sự phát triển của các tập đoàn tài phiệt, hay còn gọi là chaebol. Cùng với sự lớn mạnh của các chaebol, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng phát triển nhanh chóng.
Năm 1961, Hàn Quốc thay đổi chiến lược kinh tế từ thay thế nhập khẩu sang xúc tiến xuất khẩu. Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn-hi thời kỳ đó quyết định quốc hữu hóa tất cả ngân hàng và hỗ trợ một số chaebol thông qua các khoản vay và trợ cấp xuất khẩu. Năm 1963, Hàn Quốc ban hành Luật đặc biệt về phát triển phụ tùng và vật liệu, quy định ưu đãi cho doanh nghiệp trong các ngành ưu tiên, như dệt may, thép và hóa dầu, ô tô,... Thứ tự ưu tiên dựa trên tiềm năng phát triển của từng ngành, đồng thời gắn với lĩnh vực có sự hiện diện của chaebol, như Samsung, LG, Hyundai, Daewoo. Bên cạnh đó, Hàn Quốc yêu cầu chaebol chuyển sản xuất linh kiện, phụ tùng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng tính cạnh tranh và tạo sự lan tỏa. Điều này tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hỗ trợ khi doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô cầu đủ lớn để có thể hoạt động.
Năm 1975, Hàn Quốc ban hành Luật Xúc tiến thầu phụ, yêu cầu doanh nghiệp lớn mua linh kiện theo danh mục chỉ định từ doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì tự sản xuất. Luật này đã mang lại tín hiệu tích cực thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ và tập đoàn lớn, khi tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò nhà thầu phụ tăng từ 19,7% năm 1976 lên 70% năm 1990, sau đó giảm xuống còn khoảng 50% vào năm 1994. Năm 2005, chính phủ Hàn Quốc triển khai “Chiến lược phát triển nguyên liệu và linh phụ kiện” nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và điện tử. Samsung và Lucky Gold Star được chỉ định là các doanh nghiệp hạt nhân và một số doanh nghiệp khác chịu trách nhiệm sản xuất linh phụ kiện để thay thế nhập khẩu. Doanh nghiệp hạt nhân được yêu cầu mua linh kiện từ nhà cung cấp trong nước. Nhờ đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hàn Quốc phát triển vượt bậc, minh chứng cho sự thành công của chính sách xây dựng doanh nghiệp đầu tàu có khả năng sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hàn Quốc đã nhanh chóng thành lập Hội đồng Chính phủ và tư nhân về ngành công nghiệp mới và công bố “Phương hướng, đối sách cho thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vào năm 2017. Những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc nỗ lực gia tăng năng lực sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chương trình thúc đẩy về mặt tài chính, sáng kiến nghiên cứu và phát triển, cũng như hạ tầng. Các bước chuẩn bị này là lộ trình giúp Hàn Quốc bắt kịp xu thế công nghiệp mới của thế giới.
Thái Lan - Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp
Doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Thái Lan. Từ giai đoạn 1959 - 1971, Thái Lan đã triển khai chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu, chuyển hướng từ đầu tư công sang khuyến khích đầu tư tư nhân. Theo đó, Thái Lan thành lập Bộ Đầu tư vào năm 1959 và ban hành Luật Đầu tư năm 1960 nhằm tạo môi trường thuận lợi và thu hút doanh nghiệp FDI thông qua ưu đãi về thuế và phi thuế quan. Dòng vốn FDI không chỉ tạo ra mối liên kết về kỹ thuật, mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, giúp doanh nghiệp Thái Lan đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu về nguyên vật liệu của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp cũng thúc đẩy sự phát triển của nhà cung ứng địa phương.
Giai đoạn 1972 - 1996, Thái Lan ban hành chính sách thu hút chuyên gia và lao động chất lượng cao từ nước ngoài thông qua ưu đãi về đất đai và việc làm nhằm thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế xuất khẩu. Năm 1998, Thái Lan thành lập Cơ quan Phát triển liên kết công nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Thái Lan đặc biệt chú trọng chính sách “quy tắc xuất xứ địa phương” để buộc nhà lắp ráp sử dụng nhiều hơn linh kiện sản xuất trong nước.
Hiện nay, chính sách thu hút FDI của Thái Lan đã có sự thay đổi, từ chiến lược phát triển sản xuất thay thế nhập khẩu chuyển sang chiến lược tập trung sản xuất phục vụ xuất khẩu. Điều này giúp Thái Lan giảm nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu, cũng như cải thiện thâm hụt thương mại. Thái Lan cũng thu hẹp số lượng ngành được hưởng ưu đãi, thay vào đó tập trung vào các lĩnh vực về công nghệ cao, R&D, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, Thái Lan khuyến khích đầu tư vào các khu vực xa trung tâm thủ đô và các vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển vùng, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Với môi trường kinh doanh thông thoáng và chính sách ưu đãi hấp dẫn, Thái Lan đã đạt được thành công đáng kể trong việc thu hút FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong các lĩnh vực, như công nghiệp ô tô và phụ tùng.
Có thể thấy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan là các quốc gia tiêu biểu trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại châu Á. Do mỗi nước có mức độ phát triển kinh tế và công nghiệp hóa khác nhau nên định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng khác biệt. Nhật Bản là quốc gia châu Á tiên phong thành công trong quá trình công nghiệp hóa và đã bắt kịp các quốc gia tiên tiến. Hàn Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách và bước vào giai đoạn “nền kinh tế đổi mới sáng tạo”. Mặc dù đi sau Nhật Bản và Hàn Quốc, song nền công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan được xếp đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Xuất phát từ thực tiễn của các quốc gia này cho thấy, việc xây dựng chính sách phù hợp đóng vai trò quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Việc lựa chọn và triển khai chính sách phụ thuộc vào mức độ phát triển, cũng như các đặc điểm lợi thế hay hạn chế của từng quốc gia.
P.A.T (tổng hợp)