Nghiên cứu chọn giống bạch đàn và keo phục vụ ngành công nghiệp giấy
Cập nhật vào: Thứ sáu - 03/05/2019 16:41 Cỡ chữ
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam tầm nhìn đến 2020, một trong những mục tiêu là xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất 1.800.000 tấn bột vào năm 2020, tạo điều kiện để xây dựng các nhà máy chế biến bột giấy tập trung, quy mô lớn. Như vậy, diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy sẽ là rất rộng lớn trên nhiều vùng sinh thái để có thể đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nhu cầu về giống cho trồng rừng hàng năm là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu cây giống nguyên liệu giấy chất lượng tốt, năng suất cao, số lượng nhiều trong thời gian tới, công tác chọn tạo giống mới là việc làm hết sức cần thiết và thường xuyên của Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy. Nghiên cứu giống cây nguyên liệu giấy nằm trong sự phát triển chung của nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực rừng trồng các loài cây mọc nhanh như Keo và Bạch đàn.
Hoạt động nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã được thừa hưởng các kết quả nghiên cứu giai đoạn trước, về cơ bản đã xác định được loài, xuất xứ và các dòng vô tính thích hợp trên các vùng sinh thái. Tuy nhiên, năng suất rừng cây nguyên liệu giấy vẫn còn thấp so với các nước khác, chất lượng cũng không được cao, các nhân tố đó làm giảm hiệu quả kinh tế kinh doanh rừng trồng cây nguyên liệu giấy.Một số dòng vô tính đã Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia hoặc tiến bộ kỹ thuật như các dòng Bạch đàn PN2, PN14, PN10, PN46, PN47, PN3d, PN54, PN116, PN24, PN108, PNCT3, PNCTIV và một số dòng Keo lai KL2, KL20 và KLTA3. Tuy nhiên để có một số lượng giống cây nguyên liệu giấy đủ đảm bảo an toàn đa dạng di truyền vẫn rất cần phải tiếp tục chọn tuyển thêm nhiều cây trội, nguồn giống tốt và trồng rừng khảo nghiệm để bổ sung thêm những giống có năng suất cao hơn và bền vững hơn. Vì những lý do này, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Duy Hưng, Viện Nghiên cứu cây Nguyên liệu Giấy đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn giống bạch đàn và keo phục vụ ngành công nghiệp giấy”.
Sau một thời gian triển khai(1/2017 - 12/2017), nhóm nghiên cứu thu được một số kết quả như sau:
- Nhiệm vụ đã trồng được 1.0ha thí nghiệm khảo nghiệm 20 dòng vô tính Bạch đàn và 1.5 ha thí nghiệm khảo nghiệm tăng thu di truyền của 6 lô hạt Keo tai tượng. Cả 2 thí nghiệm trên đều được trồng tại Lục Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang trong năm 2017. Sinh trưởng, chất lượng và tỷ lệ sống của 2 thí nghiệm bước đầu đều đạt được mục tiêu đề ra;
- Đã thiết lập được thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ IBA đến tỷ lệ ra rễ của cành chiết Bạch đàn và Keo tai tượng. Kết quả cho thấy, thuốc IBA không ảnh hưởng đến tỷ lệ ra rễ của cành chiết 2 loài trên trong khuôn khổ nhiệm vụ này;
- Đã trồng được 25 cành chiết Bạch đàn và 30 cành chiết Keo tai tượng tại Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy, vườn vật liệu này cần được tiếp tục chăm sóc chu đáo và theo dõi trong thời gian tới.
- Đã đánh giá chất lượng hạt giống thu hái từ 10 cây trội Bạch đàn ở rừng giống xã Ngọc Mỹ và Keo tai tượng tại rừng giống Quang Bình và rừng giống Hàm Yên trong năm 2017;
- Đã gieo ươm 6 lô hạt giống Keo tai tượng phục vụ trồng khảo nghiệm tăng thu di truyền (trồng năm 2018)
- Đã giâm hom 16 dòng vô tính Bạch đàn phục vụ trồng khảo nghiệm do vô tính (trồng năm 2018).
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo để đạt được mục tiêu cho cả giai đoạn (5 năm) từ đó góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng nguyên liệu giấy.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14763/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
quy hoạch, phát triển, công nghiệp, mục tiêu, xây dựng, nguyên liệu, tập trung, nhu cầu, sản xuất, nhà máy, chế biến, quy mô