Nghiên cứu ứng dụng phần mềm thiết kế 3D để thiết kế chế tạo giầy da, bốt nữ mang thương hiệu Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/01/2019 04:15 Cỡ chữ
Ứng dụng công nghệ tin học trong sản xuất kinh doanh là xu thế thời đại. Việc ứng dụng các phần mềm và trang thiết bị hỗ trợ cho thiết kế giầy có những hiệu quả, lợi ích to lớn: giảm thiểu thời gian thiết kế, chi phí thiết kế, kết nối được với các thiết bị tự động trong tạo mẫu thử nghiệm và sản xuất công nghiệp.
Hiện nay đã có các phần mềm 3D (thiết kế mỹ thuật hay tạo mẫu sản phẩm giầy, phom giầy), các phần mềm 2D để thiết kế kỹ thuật (hay thiết kế bản vẽ các chi tiết giầy trải từ bề mặt phom 3D), các phần mềm hỗ trợ trong tính định mức vật liệu, tính giá thành sản phẩm, cũng như phần mềm hỗ trợ xây dựng các tài liệu kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất. Các phần mềm liên thông dữ liệu với nhau nên tính đồng bộ và độ chính xác của từng công đoạn là rất quan trọng. Sự sai sót của một công đoạn (đặc biệt là các công đoạn ban đầu) sẽ dẫn đến sự thiếu chính xác.
Thiết kế trên phần mềm 3D cho ta sản phẩm mẫu giống mẫu thực để gửi cho khách mà không cần chế thử. Một phần không thể thiếu khi làm cho mẫu giầy 3D giống giầy thực đó là hình ảnh nguyên vật liệu nên việc đưa hình ảnh nguyên vật liệu thực ở bên ngoài vào phần mềm giúp việc phối hợp nguyên liệu trong công đoạn thiết kế và chế tạo mẫu giầy phù hợp hơn. Với loại da thông thường bề mặt da không có sự phân vùng trên toàn bộ tấm da. Khi đưa vào phần mềm đã tăng thêm hiệu ứng của sản phẩm. Còn rất nhiều loại da khác mà chưa được đưa vào phần mềm để tăng hiệu ứng và hiệu quả sử dụng vật liệu, một trong những loại da đó là da đà điểu, cá sấu.
Da đà điểu cá sấu là da nốt sần quý vì bề mặt da có các hoa văn nốt sần ở từng vùng khác nhau vì thế khi chế tạo giầy sử dụng loại nguyên liệu quý này không phối hợp các vùng da trước khi pha cắt có thể sẽ gây lãng phí nguyên liệu do phối hợp vùng nguyên liệu chưa phù hợp. Vì thế việc "Nghiên cứu ứng dụng phần mềm thiết kế 3D để thiết kế chế tạo giầy da, bốt nữ mang thương hiệu Việt Nam” có sử dụng loại da đà điểu, cá sấu là việc làm cần thiết nhằm sử dụng hiệu quả phần mềm thiết kế, sử dụng loại nguyên liệu quý và vẫn thiết kế chế những mẫu giầy đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của sản phẩm.
Vì thế nhằm ứng dụng phần mềm thiết kế 3D để thiết kế các mẫu giầy, bốt nữ có sử dụng loại da đà điểu cá sấu tạo hiệu ứng giầy 3D giống giầy thực nhằm làm giảm chi phí làm mẫu hiện vật khi gửi mẫu đến khách hàng, nhóm nghiên cứu do Cử nhân Hoàng Thị Hồng, Trung tâm Đào Tạo - Viện Nghiên cứu Da Giầy đúng đầu đã đề xuất và tiến hành nghiên cứu đề tài: "Nghiên cứu ứng dụng phần mềm thiết kế 3D để thiết kế chế tạo giầy da, bốt nữ mang thương hiệu Việt Nam”.
Đây là nghiên cứu cần thiết, phù hợp với xu thế, nhằm sử dụng hiệu quả phần mềm thiết kế trong công tác thiết kế chế tạo những mẫu giầy đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của sản phẩm.
Sau thời gian tích cực triển khai, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung của đề tài và có thu được một số kết quả như sau:
- Xây dựng được phương pháp đưa hình ảnh quét 3D của phom vào phần mềm đảm bảo độ chính xác.
- Xây dựng được phương pháp đưa hình ảnh bề mặt vật liệu (từng vùng vật liệu...) vào phần mềm đảm bảo tính xác thực và đúng tỷ lệ thực của vật liệu.
- Nghiên cứu các đặc trưng cấu trúc và các tính chất cơ lý của từng vùng da cho các chi tiết giầy.
- Đề xuất phương pháp thiết kế mỹ thuật sản phẩm giầy (bốt) từ da cá sấu và đà điểu.
- Đánh giá được khả năng trải phẳng các chi tiết (bề mặt phom) từ 3D sang 2D trên phần mềm. Đề xuất phương pháp thiết kế kỹ thuật phù hợp từ hình thiết kế 3D sang thiết kế 2D. Thử nghiệm thiết kế một số mẫu giầy, bốt để kiểm chứng kết quả nghiên cứu. Xây dựng phương án thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật để tận dụng tối đa diện tích các vùng con da đà điểu, cá sấu.
- Xây dựng được quy trình xác xuất giầy (bốt) từ da đà điểu và da cá sấu theo đặc thù của các loại da này. Về cơ bản nhóm nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ thiết kế giầy 3D và áp dụng cho các sản phẩm đặc thù như sản phẩm giầy, bốt từ da đà điểu, cá sấu. Quy trình thiết kế áp dụng tốt cho các loại giầy khác được làm từ các loại vật liệu khác nhau.
Để phát huy tối đa việc sử dụng phần mềm vào thực tế, nhóm nghiên cứu đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo cho phép nghiên cứu ứng dụng phần mềm thiết kế phom để thiết kế chế tạo phom giầy phù hợp với kích thước số đo bàn chân người Việt Nam. Kính đề nghị Bộ công thương tạo điều kiện và cấp kinh phí cho Viện nghiên cứu Da Giầy và nhóm thực hiện tiếp tục triển khai nghiên cứu để hoàn thiện dữ liệu đầu vào của phần mềm thiết kế 3D.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14689/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)