Nghiên cứu và phát triển thành công Hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng chuyển động mắt
Cập nhật vào: Thứ năm - 26/09/2024 00:02 Cỡ chữ
PGS. TS. Lê Thanh Hà, TS. Ngô Thị Duyên và nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Bổng tại Phòng thí nghiệm tương tác Người-Máy, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã nghiên cứu và phát triển thành công Hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng chuyển động mắt (Hệ thống Blife) mang lại khả năng giao tiếp cho những người hoàn toàn bất động do bệnh ALS, vừa được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế.
Bằng sáng chế số US 12,093,516 B2 do USPTO cấp cho nhóm nghiên cứu hệ thống Blife. Nguồn: NVCC
Blife sử dụng các tín hiệu chuyển động mắt và điện não để tạo điều kiện tương tác dễ dàng hơn với máy tính đối với những người bị chấn thương hoặc khó khăn về vận động, đặc biệt là bệnh nhân ALS. Hệ thống này tích hợp một camera đặc biệt để nhận diện chuyển động mắt và chuyển đổi chúng thành tọa độ trên màn hình, cho phép người dùng lựa chọn hình ảnh hoặc từ ngữ tiếng Việt để phát ra qua loa. Ngoài ra, người dùng có thể ghi chú, tìm kiếm thông tin trên internet, viết email hoặc tham gia mạng xã hội.
Blife không chỉ hỗ trợ những người bị hạn chế vận động mà còn có thể được điều chỉnh để hỗ trợ những người khỏe mạnh ở những tình huống đặc biệt như môi trường thực tại ảo hay du hành vũ trụ.
PGS.TS Lê Thanh Hà, người đứng đầu dự án, cho biết rằng Blife đã nhận được bằng sáng chế tại Mỹ, bảo vệ ý tưởng và tạo ra cơ hội thương mại hóa. Dù vậy, việc thương mại hóa hiện chưa phải là ưu tiên hàng đầu của nhóm nghiên cứu. Thay vào đó, họ đang triển khai dự án như một sáng kiến xã hội nhằm hỗ trợ miễn phí cho một số bệnh nhân và cam kết duy trì Blife cho đến khi nó có thể tiếp tục hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân. Hiện tại, nhóm đang tìm kiếm các đối tác để mở rộng phạm vi hỗ trợ của Blife đến nhiều người bệnh hơn.
P.A.T (tổng hợp)