Nghiên cứu xác lập các chỉ tiêu phân đới cho quặng chì - kẽm - barit có nguồn gốc nhiệt dịch trầm tích để xác định những đặc điểm bóc mòn và dự báo triển vọng quặng ẩn sâu trong cấu trúc Khâu Lộc, Đông Bắc Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ bảy - 04/05/2019 20:26 Cỡ chữ
Công tác điều tra, nghiên cứu khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản kim loại được đầu tư trong nhiều năm qua, kết quả đã tìm ra nhiều mỏ, điểm quặng và trường quặng hiện vẫn đang được điều tra tiếp tục đánh giá. Vùng Đông Bắc Việt Nam, cụ thể là cấu trúc Khâu Lộc là một đơn vị kiến tạo - sinh khoáng gắn liền với nền cổ Hoa Nam - Trung Quốc, một diện tích đặc trưng với khoáng hóa chì - kẽm của lãnh thổ Việt Nam. Trên diện tích này đã có nhiều công trình điều tra, thăm dò và nghiên cứu để đánh giá tiềm năng - triển vọng khoáng sản, xong vấn đề nghiên cứu về đặc điểm phân đới và bóc mòn của quặng hóa thuộc loại hình nguồn gốc nhiệt dịch - trầm tích để dự báo quặng ẩn sâu còn là những điều mới mẻ.
Với mục đích giải quyết các vấn đề xác lập các chỉ tiêu phân đới làm cơ sở cho việc đánh giá các đặc điểm bóc mòn và dự báo triển vọng quặng ẩn sâu của loại hình nguồn gốc nêu trên để định hướng cho các công tác tiếp theo, nhóm nghiên cứu do TS. Đỗ Quốc Bình, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu xác lập các chỉ tiêu phân đới cho quặng chì - kẽm - barit có nguồn gốc nhiệt dịch trầm tích để xác định những đặc điểm bóc mòn và dự báo triển vọng quặng ẩn sâu trong cấu trúc Khâu Lộc, Đông Bắc Việt Nam”.
Kết quả sau 2 năm thực hiện (2015-2016) như sau:
Trên cơ sở kế thừa các nguồn tài liệu nghiên cứu có trước, cùng với sự phối hợp với các phòng thí nghiệm trọng điểm nước ngoài đã có nhiều số liệu phục vụ việc đánh giá các đặc điểm bóc mòn và dự báo quặng ẩn sâu cho quặng hóa chì - kẽm - barit loại hình nguồn gốc nhiệt dịch trầm tích. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, các đặc điểm bóc mòn và dự báo quặng ẩn sâu cho các loại hình khoáng sản nói chung, đặc biệt là loại hình nguồn gốc này như sau:
1) Cấu trúc Khâu Lộc với nhiều đối tượng khoáng sản, xong nổỉ trội hơn cả là khoáng hóa chì - kẽm - barit với loại hình nguồn gốc nhiệt dịch trầm tích (Sedex), chúng được hình thành ngay từ Neoproterozoi tới Paleozoi (Devon) trong tất cả các khối cấu trúc khác nhau.
2) Các giá trị kết quả phân tích mang tính chỉ thị như điều kiện hình thành và nguồn vật chất tham gia tạo quặng (đồng vị S, Pb/Pb), cùng với các kết quả phân tích thành phần và nhiệt độ bao thể, cùng với hàm lượng Pb, Zn, Ba và các nguyên tố khác của các vỉa quặng được phân tích bằng phương pháp AAS là những cơ sở để xác lập tính phân đới. Trên cơ sở nảy là chỉ tiêu để đánh giá các đặc điểm bóc mòn và dự báo triển vọng quặng phần sâu, ẩn liên quan với nhau.
3) Trong cấu trúc Khâu Lộc mang đặc điểm phân đới khoáng hóa theo trật tự thạch định tầng của loại hình nguồn gốc nhiệt dịch - trầm tích, bị ảnh hưởng chung của quá trình tạo quặng với vai trò ngoài thạch địa tầng là các hoạt động đứt gẫy, phun trào và xâm nhập đi kèm vì vậy quặng ghóa thể hiện các mức độ bị biến chất khác nhau. Tổng hợp chung qua các mỏ, điểm quặng, trường quặng được hình thành qua các thời đại và thời đoạn cho thấy dẫy tiến hóa hoàn thiện như sau :
Quặng sắt trầm tích - biến chất
Quặng kẽm - chì dạng vỉa
Quặng chì - kẽm có barit dạng vỉa
Quặng barit chứa chì - kẽm dạng vỉa.
4) Nét chung của đặc điểm bóc mòn quặng hóa trong cấu trúc Khâu Lộc là sự bóc mòn mang tính khối tảng, diễn ra mạnh mẽ nhất là gần các đứt gẫy sâu và đứt gẫy phân chia khối cấu trúc. Trong các thời đại tạo khoáng barit - chì - kẽm, rõ ràng thời đại Neoproterozoi bị bóc mòn mạnh hơn so với thời đại Paleozoi.
5) Hoạt động tạo khoáng trong các thời đại sinh khoáng có sự khác biệt nhau, trong thời đại Neoproterozoi, có sự chồng chéo giữa vai trò của oxi và lưu huỳnh trong tạo quặng, diễn ra ở các phạm vi ảnh hưởng của đứt gẫy lớn và sâu như thấy ở Bản Lìn và Tùng Bá dẫn tới sự trùng lặp về không gian phân bố các thành tạo Pb, Zn, Fe.
6) Nguồn vật chất tham gia tạo quặng chì - kẽm - barit của cấu trúc Khâu Lộc tiến hóa theo thời gian, các thời đại muộn, nguồn vật chất được hình thành (thời đại Neoproterozoi - Cambri) mang đặc điểm của nguồn giữa vỏ trên và vỏ dưới. Các thành tạo quặng barit - chì - kẽm của thời đại Paleozoi (Devon) là các vỉa barit - chì - kẽm và chì - kẽm như ở Khuổi Mạn - Phia Đăm phản ánh nguồn vật chất của phần vỏ dưới ngày càng đóng vai trò chính.
7) Tiềm năng khoáng hóa chì - kẽm - barit qua các thời đại tạo khoáng, thể hiện rõ ràng thời đại tạo khoáng Paleozoi có triển vọng và quy mô lớn hơn so với thời đại tạo khoáng Neoproterozoi.
8) Việc điều tra, đánh giá các đặc điểm bóc mòn và nhận định quặng ẩn của quặng hóa chì - kẽm - barit kiểu nhiệt dịch - trầm tích trong các mỏ, điểm quặng và trường quặng của cấu trúc Khâu Lộc, một cấu trúc với các hoạt động kiến tạo mang tính khối tảng ở các thời đại sau, hình thành các trũng có quy mô nhỏ hơn, vì vậy khi đánh giá đặc điểm bóc mòn của khoáng hóa cần tính tới yếu tố này và phân chia các khối cấu trúc trong các trường quặng và mỏ để nhận định các đặc điểm bóc mòn và khả năng tồn tại sâu của từng khối, điều này thể hiện rõ nhất trong phạn vi trường quặng Khuổi Mạn - Phia Đăm hình thành trong Devon.
9) Thuộc các phạm vi phát triển quặng hóa sắt có các biểu hiện cụ thể của Pb, Zn, Ba… đi cùng ở phạm vi Tà Pan (Suối Thầu) - Minh Sơn, Tùng Bá - Vị Xuyên và Quyết Tiến - Quản Bạ - Hà Giang cần mở rộng diện tích điều tra bằng tổ hợp các phương pháp địa chất - khoáng sản và địa vật lý theo từng bước thi công ở tỷ lệ thích hợp để xác định chính xác các vỉa quặng ẩn sâu dưới chúng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14770/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
công tác, nghiên cứu, khoáng sản, đặc biệt, kim loại, kết quả, tiếp tục