Nhà máy thông minh: Bước đệm quan trọng trong chuyển đổi số doanh nghiệp
Cập nhật vào: Thứ ba - 10/12/2024 12:02 Cỡ chữ
Ngày 10/12/2024, Sở Công thương TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ tổng kết Chương trình hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh năm 2024, đánh giá những kết quả đạt được sau 3 tháng triển khai. Chương trình này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt cho các doanh nghiệp tham gia.
Chương trình tư vấn phát triển nhà máy thông minh đã được triển khai cho nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Điển hình là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi (Quảng Nam), nơi áp dụng các giải pháp thông minh ngay tại nhà máy. Trước khi tham gia dự án, chỉ số thông minh của nhà máy Minh Thịnh Lợi chỉ đạt 1.0/5.0, nhưng qua quá trình hỗ trợ, cải tiến và ứng dụng các công nghệ mới như IoT, mã QR, và phần mềm quản lý sản xuất, nhà máy đã đạt được thang điểm 2.7/5.0. Các hoạt động cải tiến bao gồm phân tích quy trình sản xuất, đào tạo đội ngũ quản lý và cải tiến hiện trường. Đặc biệt, việc áp dụng thiết bị IoT đã giúp doanh nghiệp theo dõi và chia sẻ dữ liệu thời gian thực, từ đó cải thiện hiệu suất và giảm thiểu lãng phí.
Phó Giám đốc Công ty Minh Thịnh Lợi, ông Nguyễn Thanh Minh cho biết, công ty đã áp dụng gần 20% thiết bị vào hệ thống nhà máy thông minh và dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện 100% trong thời gian tới.
Tương tự, tại Công ty TNHH In Trùng Khoa (Đà Nẵng), sau khi tham gia chương trình, chỉ số nhà máy thông minh của công ty đã tăng từ 1.1/5.0 lên 3.0/5.0. Các cải tiến chính tại đây bao gồm việc tạo ra môi trường quản lý sản xuất theo thời gian thực, số hóa quy trình và vận hành từ xa, cũng như áp dụng phần mềm để quản lý hiệu suất thiết bị và tồn kho. Dự án đã giúp In Trùng Khoa tăng 20% năng suất và cải thiện hiệu quả quản lý sản xuất, đặc biệt là qua việc sử dụng mã QR và phần mềm theo dõi.
Ông Ngô Tiến Thành, Trưởng Ban phát triển Nhà máy thông minh của công ty, chia sẻ: “Chúng tôi đã sử dụng phần mềm để thu thập số liệu thực tế, cải tiến hiện trường và áp dụng layout quản lý thiết bị. Các giải pháp này đã giúp tăng hiệu suất và giảm lãng phí.”
Chương trình hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh được Sở Công thương TP Đà Nẵng phối hợp với Công ty Samsung Electronics Việt Nam thực hiện. Mô hình nhà máy thông minh không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là bước đệm quan trọng cho quá trình chuyển đổi số. Theo ông Jang Yoon Ho, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đối tác Samsung, việc triển khai mô hình này tại các doanh nghiệp sẽ trở thành nền tảng để các doanh nghiệp khác học hỏi và áp dụng vào thực tế, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành sản xuất.
Ông Jang cũng hy vọng các nhà máy tham gia dự án sẽ trở thành mô hình mẫu để các doanh nghiệp khác tham khảo và áp dụng, tạo ra sự thay đổi lớn trong quản lý sản xuất và nâng cao hiệu quả công việc.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Trừ, khẳng định rằng chương trình đã mang lại những kết quả đáng kể, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức, tăng hiệu suất và giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp tham gia đã được cải tiến quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ để quản lý nhà máy một cách hiệu quả hơn. Sở Công thương TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tham khảo và áp dụng các mô hình nhà máy thông minh, giúp họ chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai.
P.A.T (tổng hợp)