Phát triển màng nanocomposite từ tinh bột mở đường cho sản xuất thiết bị điện tử xanh
Cập nhật vào: Thứ năm - 07/11/2024 12:11 Cỡ chữ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queen Mary, London đã tạo ra loại màng nanocomposite mới từ tinh bột mà không cần dùng đến vật liệu gốc dầu mỏ, đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử bền vững. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Advanced Functional Materials.
Trong bối cảnh nhu cầu về các giải pháp bền vững trong lĩnh vực điện tử ngày càng tăng trên toàn cầu, đột phá này là bước tiến lớn hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải điện tử và thúc đẩy sản xuất các thiết bị điện tử thân thiện với môi trường. Màng nanocomposite mới với những đặc tính cơ học và điện có thể điều chỉnh, được làm từ tinh bột (một trong những loại polyme tự nhiên dồi dào nhất có trong các loại thực vật như khoai tây, ngô, đậu và ngô) và Mxene (vật liệu 2D có độ dẫn điện cao được sản xuất tại chỗ). Màng nanocomposite này có thể được thiết kế riêng cho nhiều mục đích sử dụng như theo dõi chuyển động của cơ thể con người, cảm biến xúc giác và da điện tử thông minh. Cải tiến quan trọng hướng tới thiết bị điện tử bền vững bắt nguồn từ thực tế màng nanocomposite làm từ tinh bột, sẽ phân hủy trong vòng một tháng khi được chôn lấp dưới đất. Như vậy quá trình phân hủy màng diễn ra nhanh, trái ngược hoàn toàn với nhựa thông thường không phân hủy.
Ngoài ra, thông qua điều chỉnh nồng độ MXene, các nhà nghiên cứu có thể kiểm soát chính xác tính chất cơ học, độ dẫn điện và khả năng cảm biến của màng nanocomposite mới. Điều đó cho phép điều chỉnh ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, từ chăm sóc sức khỏe đến thiết bị điện tử đeo trên người. Màng nanocomposite sử dụng vật liệu tự nhiên, dồi dào với quy trình sản xuất dựa vào dung môi nước, giúp tăng tính bền vững của màng. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng sản xuất thiết bị điện tử bền vững từ màng nanocomposite tinh bột, cung cấp giải pháp thân thiện với môi trường. Đây là bước tiến lớn trong việc giải quyết thách thức toàn cầu về rác thải điện tử.
N.P.D (NASATI), theo Phys.org, 10/2024