Sử dụng vật liệu phủ tường gợn sóng để làm mát thụ động các tòa nhà
Cập nhật vào: Thứ ba - 03/09/2024 13:15 Cỡ chữ
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Columbia và Đại học California đã sử dụng tấm ốp gợn sóng trên các bức tường của tòa nhà ngoài trời để làm giảm nhiệt độ bề mặt tường một cách thụ động.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng phủ vật liệu làm mát bức xạ lên đỉnh tòa nhà có thể làm giảm 20% lượng nhiệt truyền vào bên trong. Điều này là do chúng được chế tạo theo cách phản xạ ánh nắng mặt trời và tỏa nhiệt ra không gian bên ngoài. Tuy nhiên, các vật liệu này không hiệu quả khi sử dụng cho các mặt bên của tòa nhà do các góc liên quan và do nhiệt phản xạ từ mặt đất.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khắc phục hạn chế về góc cạnh thông qua sử dụng vật liệu gợn sóng. Vật liệu gợn sóng có hoa văn hình zíc zắc khi nhìn từ bên cạnh. Thiết kế này thường được sử dụng giữa các miếng bìa cứng phẳng để làm cho cấu trúc chắc chắn hơn.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng các bức tường của tòa nhà hấp thụ nhiệt rất tốt vào mùa đông nhưng lại gây bất lợi vào mùa hè. Hơn nữa, nhiệt có thể bắt nguồn từ cả mặt trời và môi trường xung quanh tòa nhà. Ví dụ, các tòa nhà trong thành phố thường được xây bằng xi măng, hấp thụ nhiệt từ mặt trời và sau đó tỏa nhiệt vào trong không khí, khiến các tòa nhà nóng hơn.
Để giải thích về hai nguồn nhiệt, các nhà nghiên cứu đã sử dụng vật liệu gợn sóng cho mặt bên của một mô hình tòa nhà nhỏ. Sau đó, họ sơn các mặt bằng hai loại vật liệu khác nhau. Những mặt hướng lên trên về phía mặt trời, được phủ bằng vật liệu phát xạ, trong khi những mặt hướng xuống dưới được phủ một lớp phản quang. Sau đó, họ đặt mô hình tòa nhà ra ngoài trời nắng gần một mô hình tương tự có lớp phủ tường tiêu chuẩn và kiểm tra nhiệt độ của cả hai mô hình theo định kỳ. Kết quả là sự chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa hai mô hình là 2,3°C và vào thời điểm nóng nhất trong ngày là 3,1°C. Như vậy, thiết kế tấm ốp gợn sóng có triển vọng được mở rộng quy mô và thương mại hóa trong tương lai.
N.P.D (NASATI), theo Techxplore, 8/2024