Tạo ra dòng sâm Ngọc Linh đa bội
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/09/2024 13:06 Cỡ chữ
Nhóm nhà khoa học từ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh đang tiến hành nghiên cứu để phát triển dòng sâm Ngọc Linh đa bội với nhiều ưu điểm vượt trội so với cây tự nhiên. Nghiên cứu này do thạc sĩ Phạm Văn Hiểu cùng bốn cộng sự thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2024. Sâm Ngọc Linh nổi bật với các dược chất quý như ginsenosides và ocotillol, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, nguồn giống hiện tại chủ yếu thu từ hạt cây trồng tự nhiên với số lượng hạn chế.
Sâm Ngọc Linh trong tự nhiên là cây lưỡng bội với 24 nhiễm sắc thể (NST), trong khi sâm Ngọc Linh tứ bội có 48 NST. Theo nhóm nghiên cứu, cây đa bội có nhiều bộ nhiễm sắc thể hơn thường có kích thước tế bào và cơ quan lớn hơn, tăng cường hoạt động trao đổi chất và khả năng thích nghi với môi trường. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy việc áp dụng kỹ thuật đa bội có thể nâng cao năng suất và phẩm chất giống cây trồng.
Để tạo ra dòng sâm Ngọc Linh đa bội, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phôi ở giai đoạn phôi cầu từ quá trình nuôi cấy mô. Phôi cầu được xử lý bằng colchicine ở nhiều nồng độ khác nhau để xác định điều kiện tối ưu tạo sâm Ngọc Linh đa bội. Các mẫu phôi sau khi xử lý được nuôi cấy tiếp tục để phát triển thành cây, và sàng lọc mẫu đa bội được thực hiện bằng phương pháp dòng chảy tế bào (flow cytometry). Phương pháp này giúp sàng lọc lượng lớn mẫu nhanh chóng và hiệu quả.
Dòng sâm Ngọc Linh đa bội ban đầu đã cho thấy sự gia tăng về kích thước, lá dày hơn, cuống lá to hơn và cây cao hơn so với giống lưỡng bội. Kết quả này đánh dấu bước đầu thành công trong việc tạo ra giống sâm Ngọc Linh đa bội để phục vụ nghiên cứu và phát triển giống trong tương lai.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hiểu, cần nghiên cứu thêm về khả năng tăng trưởng và khả năng thích nghi của sâm Ngọc Linh đa bội, cũng như đánh giá hàm lượng dược chất so với giống lưỡng bội. Mặc dù lý thuyết cho thấy sâm Ngọc Linh đa bội có thể chứa nhiều dược chất hơn, việc này cần được xác thực qua thực nghiệm để có số liệu thuyết phục.
TS Hà Thị Loan, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh, đánh giá nghiên cứu tạo dòng đa bội là hướng đi mới đầy triển vọng trong nước, nhằm tạo giống sâm Ngọc Linh có khả năng sinh trưởng nhanh và hàm lượng dược chất cao. Bà cũng nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện trồng thử nghiệm để đánh giá các hợp chất quý trong sâm và nhân nhanh sinh khối. Trung tâm sẽ hỗ trợ nhóm nghiên cứu trong việc phát triển vùng trồng thử nghiệm để tiếp tục giai đoạn nghiên cứu sắp tới.
Đ.T.V (tổng hợp)