Than đá có thể được sử dụng theo phương thức mới trong công nghệ khử mặn thân thiện với môi trường
Cập nhật vào: Thứ năm - 18/11/2021 03:44
Cỡ chữ
Đốt than đá sẽ không còn được ưa chuộng như một phương thức sản sinh nhiệt và điện, nhưng không có nghĩa là vật liệu này không còn giá trị sử dụng. Theo một nghiên cứu mới, than đá có thể được sử dụng để khử muối trong nước biển.
Trong một dự án do PGS. Andrea Fratalocchi tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) ở Saudi Arab dẫn đầu, các nhà khoa học đã nghiên cứu cách sử dụng vật liệu bột nén được cácbon hóa (CCP). Vật liệu này được tạo ra bằng cách nghiền than đá hoặc than củi thành bột, sau đó nén khối bột đó lại thành chất rắn xốp hơn vật liệu ban đầu. Ngoài ra, nó cũng có thể được đúc thành hình dạng mong muốn.
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp CCP với sợi bông tự nhiên, tạo ra một khối chất rắn có kích thước 20 x 20 cm và đặt trong một thùng chứa nước biển cỡ 34 x 34 cm với đáy của khối chạm vào mặt nước.
Khi ánh nắng mặt trời làm nóng bề mặt đen của khối, thì các sợi hấp thụ hút nước từ các mặt bên cạnh. Khi nước ở dạng lỏng đi đến bề mặt nóng của khối vật liệu, nó chuyển thành hơi nước bốc lên và ngưng tụ bên trong của một nắp hình kim tự tháp trong suốt. Sau đó, hơi nước ngưng tụ chảy xuống nắp nghiêng và được thu lại trong máng dưới dạng nước ngọt có thể uống được.
Hàm lượng muối trong nước biển vẫn còn bên trong CCP. Chỉ cần rửa vật liệu CCP là loại bỏ được hầu hết muối và tái sử dụng nhiều lần. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ khử muối của CCP trên một đơn vị nguyên liệu thô cao hơn từ hai đến ba lần so với các hệ thống khử mặn bằng năng lượng mặt trời hiện có.
Các nhà nghiên cứu đã hợp tác với công ty khởi nghiệp PERA của Hà Lan để thương mại hóa công nghệ này. Vật liệu này sẽ được sử dụng lần đầu tiên trong một nhà máy thí điểm ở Braxin để khử mặn nước lợ phục vụ sản xuất nước uống và nấu ăn.
"CCP khá dồi dào trong tự nhiên và có giá thành rẻ, cũng như khả năng mở rộng quy mô sản xuất", Marcella Bonifazi, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. "Công nghệ mới sản xuất nước ngọt với chi phí bằng khoảng một phần ba so với công nghệ khử mặn bằng năng lượng mặt trời hiện đại".
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Advanced Sustainable Systems.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/good-thinking/coal-ccp-desalination/, 5/11/2021