Thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và một số hàm ý chính sách
Cập nhật vào: Thứ tư - 20/11/2024 00:04 Cỡ chữ
Đối với Việt Nam, thuật ngữ “công nghiệp hỗ trợ” xuất hiện khá muộn, do ảnh hưởng của giai đoạn kinh tế tự cung, tự cấp, cũng như một giai đoạn tiếp nhận FDI thiếu chọn lọc dẫn đến xuất hiện hàng loạt cơ sở gia công và lắp ráp với nguyên phụ liệu hầu hết là nhập khẩu. Ngày 24-2-2011, Quyết định 12/2011/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ” mới đưa ra định nghĩa cụ thể công nghiệp hỗ trợ “là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”. Năm 2015, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, của Chính phủ, về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có sự điều chỉnh, theo đó ngành công nghiệp hỗ trợ được hiểu là “các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển công nghiệp, các chính sách của Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Theo đó, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã gia tăng, đặc biệt trong chuỗi cung ứng cho các ngành sản xuất chủ lực, như dệt may, da giày, điện tử và công nghiệp chế biến nông sản. Hiện nay, cả nước khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho các ngành ô tô và cơ khí; theo đó, có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có thể xuất khẩu. Đặc biệt, một số tập đoàn lớn, như Viettel, Vingroup, Hòa Phát... đã phát triển mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí và chế tạo... giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang trong quá trình dần hoàn thiện và phát triển nên không thể tránh khỏi hạn chế. Mặc dù Nhà nước đã áp dụng nhiều chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực tế cho thấy các chính sách này chưa đủ mạnh và đồng bộ để tạo ra đột phá. Doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tại địa phương. Do đó, việc thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và ưu đãi. Các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất đơn giản, khả năng tài chính hạn chế và thiếu tài sản bảo đảm để tiếp cận được các khoản vay lớn.
Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm vẫn còn thấp, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, như điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô... Sản phẩm linh phụ kiện do Việt Nam sản xuất thường chỉ là chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình hoặc thấp, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do doanh nghiệp FDI cung cấp. Số lượng và trình độ nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu.
Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm từ các quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan có thể gợi mở cho các quốc gia khác một số giải pháp hiệu quả.
Thứ nhất, thu hút FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Thái Lan là quốc gia điển hình về tận dụng vốn FDI để phát triển công nghiệp hỗ trợ, thông qua nhiều chính sách, như ban hành hệ thống pháp luật đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, cung cấp các ưu đãi về thuế và phi thuế quan cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với quốc gia với thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm và nguồn vốn hạn chế, việc thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ là giải pháp phù hợp. Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ cung cấp nguồn vốn, mà còn mang lại cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sở tại cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ và mở ra thị trường xuất khẩu.
Từ kinh nghiệm các quốc gia nêu trên cho thấy, quốc gia cần một môi trường đầu tư thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, đồng thời xác định ngành công nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên thu hút đầu tư. Như Thái Lan, trong giai đoạn đầu, nước này tập trung thu hút đầu tư FDI vào các ngành công nghiệp chủ lực là ô tô, phụ tùng ô tô và điện tử. Việc phân định rõ giữa lĩnh vực cần thu hút vốn FDI và ngành ưu tiên dành cho nhà đầu tư trong nước là cần thiết, để vừa khai thác tiềm năng từ bên ngoài, vừa bảo vệ tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, có biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp về vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.
Đối với quốc gia mà phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và thúc đẩy nhóm doanh nghiệp này thông qua các chính sách tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, hệ thống ngân hàng và đơn vị tài chính với biện pháp thúc đẩy hiệu quả đã tạo nền tảng vốn ban đầu vững chắc cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Doanh nghiệp có thể được khuyến khích tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô mà không bị áp lực lớn về tài chính. Việc cung cấp ưu đãi về thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp, thuế và tư vấn quản lý... cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng cần được xem xét.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua tăng cường phát triển khoa học - công nghệ là cần thiết và có thể hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bằng cách mời chuyên gia nước ngoài hợp tác tư vấn kỹ thuật và quản lý; đồng thời, tập trung vào nghiên cứu và phát triển để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất.
Phát triển nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những ưu tiên đối với ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy việc nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục là bước đầu quan trọng tạo tiền đề cho nguồn lao động, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học để đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Thứ ba, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đều chú trọng tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện trong nước. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy cần cải thiện khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cũng như giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với chính phủ. Chính phủ cần phát triển các kênh liên lạc thường xuyên để trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết khó khăn của ngành. Ngoài ra, chú trọng tạo điều kiện kết nối nhà sản xuất trong nước với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nước ngoài, tránh tình trạng nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu, nhưng không đủ thông tin để tìm kiếm nhà cung cấp nội địa, trong khi doanh nghiệp trong nước lại thiếu chủ động tìm kiếm đối tác.
Như vậy, có thể thấy, việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa phụ thuộc rất lớn vào định hướng chiến lược, chính sách hỗ trợ và sự nỗ lực của Nhà nước cùng cơ quan chức năng, đồng thời cũng cần đến quyết tâm của doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
P.A.T (tổng hợp)