Triển lãm Công nghệ Chip bán dẫn
Cập nhật vào: Thứ tư - 19/04/2023 11:02 Cỡ chữ
Ngày 14/4/2023 tại Hà Nội, Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức “Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn” để giới thiệu các công trình nghiên cứu, mô hình sản phẩm có tính ứng dụng cao.
Gian trưng bày của ĐHQGHN
Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn thu hút hàng chục gian hàng giới thiệu công trình nghiên cứu, mô hình sản phẩm có tính ứng dụng cao. Triển lãm không chỉ là cơ hội giới thiệu năng lực nghiên cứu, chế tạo công nghệ chip bán dẫn của ĐHQGHN, mà còn là không gian giao lưu, trình diễn các mô hình, sản phẩm nghiên cứu đầy tâm huyết đến từ các nhóm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học.
Một số gian trưng bày nổi bật tại Triển lãm như: gian trưng bày giới thiệu thiết bị trạm thu di động tín hiệu vệ tinh ứng dụng trên tàu biển của nhóm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Micro và Nano, trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Theo TS Vũ Nguyên Thức, trạm thu di động có cấu tạo gồm một chảo anten dạng parabol để thu tín hiệu truyền hình vệ tinh. Thiết bị được gắn trên nóc thuyền/tàu và chảo vệ tinh có thể chuyển động thay đổi phương hướng giúp bắt được tín hiệu chính xác. Với kích thước nhỏ gọn, bám tín hiệu nhanh, thiết bị có thể giúp đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và hoạt động trên tàu như xem tivi.
Tại Triển lãm, Trường Đại học Công nghệ (UET) có 29 sản phẩm/thiết bị/kết quả nghiên cứu đăng ký tham gia trưng bày và trình diễn, đội ngũ cán bộ, giảng viên phụ trách cũng trực tiếp giới thiệu sơ lược về công nghệ và khả năng ứng dụng của các sản phẩm, nghiên cứu tới đoàn lãnh đạo cấp cao, cũng như những người tham quan triển lãm. Nổi bật là “Hệ thống chip vi lỏng phát hiện tế bào ung thư phổi A549” được triển khai bởi nhóm nghiên cứu do GS.TS. Chử Đức Trình - Trưởng nhóm nghiên cứu đã rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả chẩn đoán tế bào ung thư phổi. Loại chip này chỉ cần sử dụng ít mẫu máu và thuốc thử có thể phát hiện tế bào ung thư phổi với thời gian xử lý ngắn. Bộ chip do nhóm nghiên cứu thiết kế và phát triển dựa trên công nghệ vi lỏng, được chuyển giao từ phía Đài Loan. Thiết bị có hệ thống các kênh vi lỏng với kích thước vài chục micromet, cho phép tích hợp nhiều quy trình trên một nền tảng giúp giảm thời gian và khối lượng mẫu. Vì vậy, tế bào trong các kênh chỉ cần một lượng thể tích nhỏ hơn microliter những nồng độ tế bào khi thực hiện thí nghiệm vẫn có thể giữ được ở mức cao mà không cần pha loãng. Việc phát hiện và đáp ứng yêu cầu về độ nhạy, độ chính xác được thực hiện dễ dàng hơn. Kết quả nghiên cứu góp phần mở ra triển vọng phát triển những thiết bị xét nghiệm nhỏ gọn tại nhà. Sản phẩm “Thiết bị la bàn điện tử độ chính xác cao dùng cho hàng hải” và “Hệ thống thiết bị đo và định vị từ trường trái đất dựa trên hiệu ứng Từ giảo - Áp điện, tích hợp kỹ thuật định vị GPS phục vụ thăm dò và xây dựng bản đồ từ trường trái đất”, do nhóm nghiên cứu PGS. TS. Đỗ Thị Hương Giang - Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano, đồng Giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ Micro và nano triển khai. Trong đó, sản phẩm thiết bị la bàn điện tử đã được áp dụng hiệu ứng vật liệu mới với rất nhiều công bố quốc tế đã được nhóm thực hiện với số lượng trích dẫn cao. Trên sản phẩm này, có 2 bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hiệu ứng, vật liệu cũng như thiết bị mà nhóm đã nghiên cứu hoàn thiện.
Một số gian trưng bày tại triển lãm
Liên quan đến chủ đề chính của Triển lãm, PGS. TS. Mai Anh Tuấn - giảng viên Khoa Điện tử viễn thông với sản phẩm: “Chip sinh học, ISFET” cho biết: “Chip sinh học được nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ chế tạo trong phòng sạch tại Việt Nam. Với đội ngũ nghiên cứu giỏi chuyên môn đảm nhận nhiệm vụ thực tế các chip bán dẫn ở tiến trình cao. Vì vậy với sản phẩm này, sinh viên có khả năng thiết kế tiến trình cao cấp hơn, mặc dù cần nhiều thời gian và chắc chắn sẽ thực hiện được. Trước mắt, sản phẩm sẽ có ý nghĩa phục vụ hoạt động nghiên cứu công bố bài báo và tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, sản phẩm sẽ là bước khởi đầu để hòa nhịp trong “cuộc chiến” toàn cầu về chip và trong tương lai kết nối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực chip bán dẫn để tạo ra nhiều con chip chất lượng được các hãng sản xuất chấp nhận”.
P.A.T (Tổng hợp)