Trung Quốc cấm thưởng tiền cho tác giả bài báo được công bố
Cập nhật vào: Thứ năm - 05/03/2020 01:00 Cỡ chữ
Các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc đã được yêu cầu ngừng thưởng tiền cho các nhà nghiên cứu có bài báo được công bố trên các tạp chí. Đây là một nội dung của chính sách quốc gia mới nhằm giảm các khuyến khích sai lầm tạo điều kiện cho các nhà khoa học công bố nhiều bài báo thay vì tập trung vào nghiên cứu có tác động lớn.
Trong lệnh cấm được công bố vào tuần trước, Bộ Khoa học và Giáo dục Trung Quốc cũng cho rằng các tổ chức nghiên cứu không được bổ nhiệm hoặc tuyển dụng các nhà nghiên cứu chỉ dựa vào số lượng bài báo mà họ công bố hoặc trích dẫn của họ. Các nhà nghiên cứu đang hoan nghênh chính sách này, nhưng cho rằng nó có thể làm giảm năng lực cạnh tranh khoa học của quốc gia.
Ở Trung Quốc, một trong những chỉ số chính hiện đang được sử dụng để đánh giá các nhà nghiên cứu, phân bổ tài trợ và xếp hạng các tổ chức nghiên cứu là số liệu được thu thập từ Chỉ số trích dẫn khoa học (SCI), cơ sở dữ liệu về các bài báo và hồ sơ trích dẫn của hơn 9.000 tạp chí. Từ năm 2009, số lượng các bài báo của các tác giả thuộc các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc đã tăng từ khoảng 120.000/năm lên 450.000 vào năm 2019. Một số tổ chức thậm chí còn thưởng tiền cho các nhà nghiên cứu có bài báo được công bố.
Đây là các hình thức khuyến khích các nhà nghiên cứu xuất bản nhiều bài báo có chất lượng, Jin Xuan, kỹ sư hóa học tại trường Đại học Loughborough, Anh cho biết. Bằng chứng cho thấy việc tập trung vào các số liệu cũng đã làm tăng các phương thức không phù hợp như các nhà nghiên cứu gửi những bài báo đạo văn hoặc gian lận hoặc trích dẫn không đúng nghiên cứu của họ hoặc của đồng nghiệp để tăng số lượng trích dẫn.
Tang Li, nhà nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệ tại trường Đại học Fudan, Trung Quốc cho rằng: Mục tiêu của chính sách mới không phải là khuyến khích các nhà nghiên cứu Trung Quốc xuất bản các bài báo trên các tạp chí thuộc danh mục của SCI, mà là ngăn chặn các hoạt động xuất bản và trích dẫn không phù hợp.
Trong năm qua, các bài báo bị nghi vấn gian lận của các tác giả ở Trung Quốc đã được chú ý đến. Cộng đồng nghiên cứu đã đối chiếu hàng trăm bài báo có chứa hình ảnh trùng lặp rõ ràng và bố cục tương tự. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản tạp chỉ đang tiến hành điều tra. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ các bài báo này có thể đã được tạo ra để đáp ứng hạn ngạch hiệu suất.
Đánh giá mới
Như một phần của chính sách mới, các đánh giá của nhà nghiên cứu giờ đây sẽ cần sử dụng các chỉ số về chất lượng nghiên cứu như mức độ đổi mới của nghiên cứu, liệu đây có phải là tiến bộ khoa học lớn hay đóng góp của nó trong việc giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng. Các đánh giá này cũng nên dựa nhiều hơn vào ý kiến thẩm định của chuyên gia và quan tâm đến nghiên cứu trên các tạp chí được xuất bản ở Trung Quốc, trong số đó có nhiều tạp chí không nằm trong danh sách của SCI.
Tuy nhiên, Futao Huang, nhà nghiên cứu chính sách giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản cho rằng không rõ liệu hệ thống đánh giá mới sẽ ra sao, vì các thông báo của Bộ thiếu các khuyến nghị cụ thể và thực tế về những yếu tố thay thế cho hệ thống hiện tại. Các biện pháp mới có thể làm giảm số lượng bài báo kém chất lượng hoặc gian lận, nhưng cũng có thể làm giảm tổng số ấn phẩm của Trung Quốc được đăng trên các tạp chí vì các nhà nghiên cứu cảm thấy ít áp lực về việc công bố bài báo để có được bằng cấp, bổ nhiệm hoặc tài trợ.
Tuy nhiên, ít bài báo của Trung Quốc được công bố trên các tạp chí uy tín có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh nghiên cứu của quốc gia. Các nhà nghiên cứu quốc tế sẽ có khuynh hướng hợp tác ít hơn với các học giả Trung Quốc không có hồ sơ công bố trên các tạp chí uy tín và ít bài báo được công bố sẽ đẩy các trường đại học Trung Quốc xuống thứ hạng thấp hơn trong bảng xếp hạng quốc tế.
Xuan cho rằng việc tập trung đánh giá các nhà nghiên cứu trên cơ sở nghiên cứu của họ được đăng trên các tạp chí Trung Quốc đang gây tranh cãi, bởi rất nhiều nghiên cứu trong số đó được xuất bản bằng tiếng Trung và các tạp chí không được biết đến bởi các nhà khoa học nước ngoài. Trong chừng mực nào đó, điều này sẽ cô lập các nhà nghiên cứu Trung Quốc khỏi cộng đồng nghiên cứu toàn cầu.
Các nhà khoa học khác bày tỏ lo ngại những đánh giá mới phụ thuộc nhiều vào bình duyệt mang tính khách quan và có thể tạo ra xung đột lợi ích hoặc quá chú trọng vào các mối quan hệ cá nhân. Nếu không có tiêu chí đánh giá minh bạch và nhất quán để khuyến khích các nhà nghiên cứu và phân bổ tài trợ, có nguy cơ các nhà nghiên cứu sẽ không được đánh giá dựa vào thành tích.
Các biện pháp mới sẽ được áp dụng cho nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu và bệnh viện nghiên cứu ở Trung Quốc. Các bộ đã yêu cầu các trường đại học chuyên sâu nghiên cứu sửa đổi các chính sách đánh giá của họ trước ngày 31/7/2020. Các tổ chức nghiên cứu tiếp tục khuyến khích các nhà khoa học công bố bài báo trên các tạp chí trong danh mục SCI, sẽ được cấp kinh phí cho các dự án treo đặc biệt.
N.P.D (NASATI), theo https://www.nature.com/articles/d41586-020-00574-8?fbclid=IwAR1bwVMs6zLpdIx3_3Uvb3-c2furXo5WIXqQ3cF1CR_DH7ovFr9oW36tEP4, 28/2/2020