Ứng dụng công nghệ mới - chìa khóa cho mục tiêu Net Zero
Cập nhật vào: Thứ ba - 01/10/2024 00:02 Cỡ chữ
Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 đang được nhắc đến nhiều không chỉ ở Việt Nam mà còn còn trên toàn thế giới. Để đạt được mục tiêu này, việc hấp thụ và ứng dụng công nghệ mới được xem là yếu tố quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp đều thừa nhận. Đây cũng là chủ đề của diễn đàn "Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương" được tổ chức mới đây.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sau hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 (Net Zero) vào năm 2050. Với cam kết này, không chỉ các bộ, ngành mà cả địa phương và doanh nghiệp cũng phải chung tay hành động. Trong đó, ứng dụng KHCN là giải pháp quan trọng để tiếp cận mục tiêu Net Zero. Các doanh nghiệp trong tỉnh đang dần tiếp cận và hấp thụ công nghệ thông qua đổi mới chuyển giao công nghệ, tăng cường pháp lý kết nối cung-cầu và nguồn lực tài chính. Đây là những điều kiện giúp họ hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn, gia tăng sức cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế xanh.
Đồng hành cùng mục tiêu này, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách, văn bản hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quy hoạch ngành KHCN đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đến các kế hoạch phát triển công nghệ số trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, hoạt động tiếp cận và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp địa phương vẫn còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ, gặp khó khăn về tài chính và nhân lực. Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế, Nhà máy Xi măng Đồng Lâm, Công ty Phenika Huế, đa số các doanh nghiệp chưa có lộ trình rõ ràng hướng tới Net Zero.
Dù gặp nhiều khó khăn, Net Zero vẫn là xu hướng phát triển tất yếu, yêu cầu doanh nghiệp phải tiếp cận KHCN và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các ngành công nghiệp, vốn là nguồn phát thải khí nhà kính lớn, cần phát triển theo hướng xanh, tiếp cận các công nghệ tiên tiến để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần tập trung áp dụng các biện pháp giảm phát thải, như sử dụng công nghệ tái chế chất thải, năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất sản xuất.
Việc ứng dụng KHCN là giải pháp rút ngắn con đường đến Net Zero. Vì thế, vai trò của các nhà khoa học rất quan trọng trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng năng lượng xanh, phân bón hữu cơ, và công nghệ lưu trữ năng lượng. Ngoài ngành công nghiệp, các lĩnh vực như xây dựng, giao thông cũng cần áp dụng công nghệ để giảm phát thải. KHCN chính là "chìa khóa" để hướng đến mục tiêu Net Zero tại Việt Nam vào năm 2050. Để đạt được điều này, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cho KHCN, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp là rất cần thiết để phục vụ sản xuất theo hướng xanh, bền vững và giảm phát thải.
Để hướng tới mục tiêu Net Zero, việc hấp thụ và ứng dụng công nghệ mới là yếu tố then chốt. Sự hợp tác giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển KHCN. Đây chính là con đường để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao sức cạnh tranh, và thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050.
P.A.T (tổng hợp)