Ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng suất tại các làng nghề
Cập nhật vào: Thứ sáu - 08/09/2023 00:03 Cỡ chữ
Những năm qua, nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí lao động. Từ đó, mang lại thu nhập cao và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài, làng nghề rèn, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) tích cực đầu tư máy móc hiện đại vào các công đoạn sản xuất.
Làng nghề bánh đa truyền thống xã Tân Châu (Thiệu Hóa) được biết đến không chỉ có sản phẩm bánh đa mà còn có bánh đa nem và miến gạo “nức tiếng” trong và ngoài tỉnh. Do vậy, nếu sản xuất thủ công thì không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Xuất phát từ thực tế này, anh Nguyễn Việt Phương, thôn Phú Văn đã mạnh dạn đưa KH&CN vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí lao động.
Anh Phương chia sẻ: "Để nghề truyền thống của gia đình phát triển phù hợp với thị trường hiện nay, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở xưởng sản xuất với quy mô 480m2, mua sắm máy làm miến, máy sấy, vắt chân không, máy vo gạo liên hoàn... với tổng chi phí gần 1 tỷ đồng. Khi ứng dụng KH&CN vào sản xuất tôi thấy chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, bánh đa nem mỏng, dai, mềm, có vị đậm đà, dùng để cuốn đồ ăn sống, loại bánh chả dùng để rán rất giòn và thơm. Sợi miến gạo cũng dai và ngon. Nhờ vậy, sản phẩm của gia đình làm ra được thị trường ưa chuộng. Theo tính toán, trừ chi phí, mỗi năm cho thu lãi gần 300 triệu đồng. Cuối năm 2022, sản phẩm miến gạo Phương Nhàn của gia đình tôi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Mới đây, sản phẩm bánh đa nem Phương Nhàn tiếp tục đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây chính là động lực để cơ sở sản xuất của gia đình tôi tiếp tục xây dựng, gìn giữ, phát triển nghề truyền thống và mở rộng sản xuất".
Tại làng nghề rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc), dù còn trẻ tuổi nhưng anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài cũng không ngần ngại đầu tư số vốn lớn để ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Anh Tiến cho biết: "Trước đây, người dân trong xã chủ yếu làm nghề rèn theo phương pháp thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, mà lại vất vả. Ngày nay, cùng với sự phát triển của KH&CN, máy móc được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ giảm bớt được rất nhiều công đoạn. Bởi vậy, tôi cũng mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, như: mài, cán thép, dập, cắt gọt kim loại, phay, khoan, khắc chữ... để sản xuất. Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên hẳn, trung bình một ngày sản xuất hơn 1.000 con dao các loại. Để sản phẩm được mọi người biết đến, chúng tôi còn tích cực tìm kiếm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán hàng online, như: shopee, lazada, facebook, tiktok...". Các sản phẩm nghề rèn giới thiệu trên các trang mạng được thiết kế đẹp, đầy đủ thông tin, mẫu mã bắt mắt, thuận tiện cho người mua. Nhờ đó, sản phẩm được đông đảo khách hàng biết đến và tìm mua. So với bán hàng trực tiếp, hình thức bán hàng trực tuyến đã giúp cho công ty bán được số sản phẩm gấp hàng chục lần, theo đó doanh thu bán hàng cũng gia tăng đáng kể. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí mỗi năm công ty thu lãi được khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm dao thép trắng không gỉ đang được công ty xây dựng trở thành sản phẩm OCOP.
Đồng chí Trịnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết: Toàn xã hiện có 1.600 hộ tham gia làm nghề rèn, thu hút khoảng 6.000 lao động. Sản phẩm của làng nghề phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước, từ cày, bừa, cuốc, xẻng, liềm gặt... phục vụ nông nghiệp đến các chi tiết máy phục vụ công nghiệp như nhíp ô tô, bánh máy...; các sản phẩm tràng, đục dành cho nghề mộc; dao, búa kiểm lâm dùng trong lâm nghiệp, hay đơn giản là những con dao, cái kéo dành cho sinh hoạt hàng ngày. Để nghề rèn Tiến Lộc phát triển bền vững, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, còn khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, xã cũng có chính sách phát triển làng nghề hợp lý. Nhờ đó, những năm qua nghề rèn mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo tính toán mỗi năm tổng doanh thu từ nghề rèn trên địa bàn xã đạt khoảng 400 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã giúp cho nhiều hộ làm nghề tại các làng nghề trong tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận do việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mất khá nhiều vốn nên việc tiếp cận KH&CN tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề còn yếu. Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên nhiều làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Ngoài ra, do việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình nên đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn khó khăn. Bởi vậy, theo chia sẻ của nhiều hộ sản xuất tại các làng nghề, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiến bộ vào sản xuất cho các hộ làm nghề; khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề hàng năm gắn với triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các hộ sản xuất được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực đầu tư phát triển làng nghề.
PAT (Tổng hợp)