Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Cập nhật vào: Thứ sáu - 02/08/2024 00:04 Cỡ chữ
Xu hướng phát triển công nghiệp xanh đang là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có ngành dệt may Việt Nam. Với sự cam kết hạn chế phát thải CO2 và hóa chất độc hại, đồng thời phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, ngành công nghiệp này đang hướng đến một tương lai bền vững hơn.
Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hằng năm 12%.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường và phát thải thấp như một cam kết ràng buộc. Các sản phẩm và nhãn hàng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và trách nhiệm đối với người lao động. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại và quy trình xanh, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên cả thị trường trong và ngoài nước.
Theo một nghiên cứu gần đây, ngành dệt may và da giày là nguồn gây ô nhiễm lớn thứ hai thế giới, sau công nghiệp khai thác dầu mỏ. Sản phẩm dệt may không chỉ gây ô nhiễm từ giai đoạn sản xuất sợi, mà còn tiêu tốn nhiều nước và sử dụng nhiều hóa chất gây hại như thuốc trừ sâu. Từ đó, gây ô nhiễm đất và nước ở các địa phương có nhà máy.
Trên toàn cầu, các quốc gia nhập khẩu thời trang hàng đầu như EU và Bắc Mỹ đang đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với ngành dệt may. Họ yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc tạo ra sản phẩm chất lượng, bền bỉ, tái chế và tái sử dụng, đảm bảo tiêu chí “3R” (Reduce – Reuse – Recycle: Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế). Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và chất liệu, tạo ra điều kiện làm việc tốt hơn và bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Giáo dục và thúc đẩy người tiêu dùng hướng tới “người tiêu dùng xanh” cũng là một mục tiêu quan trọng, tạo ra một nền kinh tế bền vững, hệ sinh thái xanh và cộng đồng thịnh vượng, công bằng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí “3E” (Ecology – Economics – Equity: Hệ sinh thái – Kinh tế – Công bằng xã hội).
Ngành dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm 12%. Với hơn 7.000 nhà máy trên toàn quốc, sử dụng khoảng 3 triệu lao động, ngành này không chỉ quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội lớn. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn tập trung vào gia công xuất khẩu và chưa thu hút được đầu tư vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp dệt may đã dịch chuyển từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong sang Việt Nam. Đây là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam thay đổi theo hướng xanh, sạch. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu và các cam kết tại COP26. Chất lượng và yếu tố môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh và trở thành tiêu chuẩn để lựa chọn nhà cung cấp.
Ngành dệt may hiện có 70% là doanh nghiệp may, 6% doanh nghiệp sợi, 17% doanh nghiệp dệt, 4% doanh nghiệp nhuộm và hoàn tất, và 3% là các đơn vị phụ trợ. Trong số này, 85% là may gia công CMT (cắt - may - làm sạch) và 15% là thực hiện FOB (doanh nghiệp chủ động từ nguồn hàng, máy móc, chi phí, nhân công cho tới khi chuyển hàng ra ngoài cảng biển).
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết năm 2024 tiếp tục là năm thử thách đối với ngành dệt may Việt Nam do nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, đơn hàng chưa nhiều, chuỗi cung ứng còn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp tái cơ cấu dòng sản phẩm, xanh hóa toàn bộ quy trình sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm.
Theo khảo sát của tập đoàn McKinsey, về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm đến tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép từ người tiêu dùng sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất cam kết cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng.
Xanh hóa giúp quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp tham gia xanh hóa và kinh tế tuần hoàn sẽ được chính phủ hỗ trợ thị trường tiêu thụ, cho vay ưu đãi, tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và toàn xã hội.
Đ.T.V (tổng hợp)