Xu hướng hỗ trợ của chính phủ cho ĐMST doanh nghiệp trước cuộc khủng hoảng COVID-19
Cập nhật vào: Thứ năm - 30/09/2021 11:36 Cỡ chữ
Theo OECD, các chính sách công thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) bằng cách hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp. Trên khắp thế giới, các công ty thực hiện R&D có nhiều khả năng nhận được hỗ trợ ĐMST từ chính phủ (với cơ hội trung bình là 36%) so với các công ty chỉ thực hiện ĐMST không dựa trên R&D (cơ hội trung bình là 13%). Do đó, phần lớn các công ty nhận được hỗ trợ ĐMST là các công ty có hoạt động R&D, họ thuộc một số ít các công ty tích cực trong ĐMST.
Cổng thông tin Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của OECD (STIP Compass), một kho lưu trữ các kế hoạch hỗ trợ đổi mới, cho thấy rằng các kế hoạch tài trợ trực tiếp là công cụ hỗ trợ tài chính cho R&D và ĐMST thường được báo cáo nhất trong số các công cụ sáng kiến. Các công cụ chính sách hàng đầu cung cấp hỗ trợ cho hoạt động R&D và ĐMST trong doanh nghiệp: trợ cấp cho R&D và ĐMST doanh nghiệp, cứu trợ thuế cho R&D và ĐMST doanh nghiệp, cho vay và tín dụng phục vụ đổi mới doanh nghiệp, tài trợ dự án cho nghiên cứu công, phiếu đổi mới… 40% các công cụ này đề cập đến các khoản tài trợ cho hoạt động R&D và ĐMST trong doanh nghiệp. Việc kiểm tra thông tin cơ bản về các công cụ này cho thấy chúng rất phân tán và được tùy chỉnh cho các nhóm đối tượng cụ thể. Rất ít quốc gia có các chương trình mua sắm cho R&D và ĐMST, cũng như việc sử dụng các giải thưởng.
Với sự gia tăng ngày càng nhiều và rộng của các ưu đãi thuế R&D ở các nước OECD và các nền kinh tế đối tác trong những thập kỷ qua, hỗn hợp chính sách hỗ trợ R&D được đo lường đã chuyển sang hướng phụ thuộc nhiều hơn vào thuế so với các công cụ hỗ trợ trực tiếp. Ở khắp các nước OECD, hỗ trợ thuế chiếm khoảng 56% tổng hỗ trợ của chính phủ cho R&D trong doanh nghiệp trong năm 2018, so với 36% trong năm 2006. Sự thay đổi trong cấu trúc chính sách thậm chí còn rõ rệt hơn ở Liên minh châu Âu (EU27), với hỗ trợ thuế tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, từ 26% tổng hỗ trợ của chính phủ năm 2006 lên 57% vào năm 2018.
Hai yếu tố đáng chú ý đã góp phần vào sự thay đổi này:
Thứ nhất, các quy tắc thương mại và cạnh tranh quốc tế điều chỉnh viện trợ của nhà nước đã hạn chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoặc ngành cụ thể. Sự phát triển của các thể chế đa phương nhằm thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư đã có tác động đáng kể, định hình các khuôn khổ pháp lý hiện hành để hỗ trợ chính phủ cho đổi mới. Hòa bình và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại và cạnh tranh, nhưng cũng cần phải đầu tư bền vững vào tri thức mới và các ứng dụng thương mại của nó.
Thứ hai, trong phần lớn các nước thành viên OECD, những người đề xuất hỗ trợ thuế R&D đã lập luận thành công rằng các doanh nghiệp chứ không phải chính phủ là nơi tốt nhất để quyết định đầu tư vào dự án nào, do đó giảm bớt các bộ máy hành chính chịu trách nhiệm xác định dự án kinh doanh nào có nhiều tiềm năng hơn và cần hỗ trợ. Điều này đã tạo niềm cho rằng khu vực doanh nghiệp có khả năng tốt hơn trong việc đánh giá thị trường và công nghệ, dự đoán nhu cầu cũng như chọn các dự án đáng đầu tư. Áp lực ngân sách cũng đòi hỏi chi phí quản lý ít hơn.
Do đó, chính sách công nghiệp dần dần trở nên theo định hướng “chiều ngang” hơn, tập trung vào các điều kiện khuôn khổ thân thiện với doanh nghiệp và hỗ trợ chung của chính phủ đối với ĐMST. Những thay đổi này đã dẫn đến việc tổ chức lại tổng thể các danh mục hỗ trợ ĐMST, giảm việc sử dụng quyền hạn của chính phủ trong việc lựa chọn các công ty và dự án được hỗ trợ.
P.A.T (NASATI), theo Science, Technology and Innovation Outlook 2021: Times of Crisis and Opportunity, OECD 2021