Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số
Cập nhật vào: Thứ tư - 11/12/2024 12:03 Cỡ chữ
Ngày 11/12, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội các Trường Cao đẳng, Đại học Việt Nam) tổ chức tọa đàm Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số. Tọa đàm nhằm mục đích giúp cung cấp kiến thức cơ bản và cập nhật về pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ và quản lý quyền SHTT tại Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Buổi tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề thực tế về vi phạm sở hữu trí tuệ, những cơ hội, thách thức trong thương mại điện tử và công nghệ. Từ đó, nâng cao kiến thức học thuật và mở rộng mạng lưới hợp tác với các học giả quốc tế và các tổ chức của cộng hòa Pháp, góp phần tạo nền tảng cho các hoạt động phối hợp trong tương lai.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc bảo vệ SHTT đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Các nền tảng số giúp tăng khả năng tiếp cận và quảng bá các sản phẩm sáng tạo như âm nhạc, phim ảnh, phần mềm hay thiết kế. Tăng cường kết nối giữa nhà sáng tạo và khách hàng trên toàn cầu… Bên cạnh đó, tồn tại không ít những thách thức như gia tăng vi phạm SHTT trên không gian mạng. Sao chép, phát tán trái phép các sản phẩm số trở nên dễ dàng hơn với công nghệ hiện đại. Các trang web lậu, ứng dụng vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi. Không gian mạng xuyên biên giới khiến việc xác định nơi vi phạm và đối tượng chịu trách nhiệm trở nên phức tạp...
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thái Cường, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh đã trình bày về khung pháp lý Việt Nam về bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số. Theo TS Cường, cơ sở pháp lý bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số tại Việt Nam bao gồm hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Đó là Luật SHTT (2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022), là khung pháp lý cơ bản quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, bao gồm cả trong môi trường số. Luật An ninh mạng (2018) đề cập đến việc bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, hỗ trợ gián tiếp việc bảo vệ quyền SHTT trên các nền tảng số và các điều ước quốc tế. Đồng thời có các quy định cụ thể về môi trường số như bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng, các hành vi sao chép, phát tán trái phép tác phẩm trên internet đều bị cấm. Xử lý vi phạm bản quyền trực tuyến, quy định về biện pháp xử lý như gỡ bỏ nội dung vi phạm, ngừng cung cấp dịch vụ internet...
TS Nguyễn Thái Cường cũng đưa ra những thách thức trong bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số. Đó là việc vi phạm bản quyền tràn lan, việc sao chép, phát tán nội dung số (nhạc, phim, sách điện tử) trái phép diễn ra phổ biến do tính chất dễ dàng, chi phí thấp. Các nền tảng mạng xã hội và trang web phát trực tuyến thường là nơi vi phạm quyền tác giả. Thách thức nữa là khó khăn trong thực thi pháp luật đến từ khả năng truy vết. Đặc điểm ẩn danh của người dùng trên không gian mạng gây khó khăn cho việc xác định đối tượng vi phạm. Các cơ quan chức năng chưa được trang bị đầy đủ công nghệ và nhân lực để xử lý các vi phạm phức tạp trên môi trường số. Cạnh đó, một thách thức từ nền tảng xuyên quốc gia khi các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok thường đặt máy chủ ở nước ngoài, gây khó khăn trong việc áp dụng luật quốc gia và phối hợp quốc tế. Từ đó, TS Cường cũng đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của các nền tảng số trong việc kiểm soát nội dung vi phạm quyền SHTT, xây dựng cơ chế xử lý nhanh các khiếu nại bản quyền trực tuyến. Đồng thời, tăng cường thực thi pháp luật, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ thực thi pháp luật về kỹ năng sử dụng công nghệ để xử lý vi phạm trên môi trường số. Hợp tác quốc tế để truy vết và xử lý vi phạm xuyên quốc gia, đặc biệt thông qua WIPO và các hiệp định thương mại tự do…
Đề cập đến thực trạng đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, ông Võ Duy Tuyến, Giám đốc điều hành công ty Luật LPC cho biết: Đối tượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phần lớn là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ, vừa thành lập doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu và những rủi ro thực tế có thể phát sinh khi không đăng ký. Về cơ chế quản lý, đăng ký bảo hộ, hiện nay, hệ thống tra cứu nhãn hiệu và đối chiếu chưa ổn định, chưa cập nhật kịp và đủ thông tin. Quá trình xét duyệt đơn đăng ký còn tồn đọng, kéo dài, việc thẩm định chưa khách quan dẫn đến gia tăng tranh chấp.
Chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, Luật sư Julien Tran – Giám đốc quốc gia công ty Luật RBA cho rằng, Hiện nay Hiệp định TRIPS đưa ra những biện pháp để giải quyết những vi phạm trong môi trường số, tuy nhiên khá khó để xây dựng khung pháp lý trong phạm vi pháp luật quốc gia. Bên cạnh những biện pháp truyền thống, chúng ta cần ứng dụng những công nghệ để phát hiện những hành vi vi phạm nhãn hiệu trong môi trường số. Chuyên gia cũng đưa ra dẫn chứng: hiện nay, công nghệ blockchain chuyển khối có thể dùng để xác định được các nguồn gốc sản phẩm. Do đó, cần thiết phải phối hợp các cơ quan khác nhau, thực hiện các biện pháp pháp lý, đặc biệt ứng dụng công nghệ để xác định vi phạm.
Thông qua tọa đàm nhiều ý kiến góp ý, trao đổi thảo luận đã góp phần làm rõ thêm nhiều nội dung và giải pháp để nâng cao việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số hiện nay.
P.A.T (tổng hợp)