Nghiên cứu thực nghiệm về vật liệu và kỹ thuật xây dựng của kiến trúc Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/09/2019 03:51 Cỡ chữ
Trong di sản văn hóa Chăm, tháp Chăm là loại hình kiến trúc tôn giáo duy nhất còn lại cho đến ngày nay. Gần 900 năm từ cuối thế kỷ 7 đến nửa đầu thế kỷ 17, bằng tài năng sáng tạo tuyệt vời, người Chăm đã xây dựng nên một nền kiến trúc điêu khắc độc đáo với hàng trăm đền tháp, hiện diện ở khắp nơi trên địa bàn cư trú của người Chăm trong lịch sử.
Trải qua biến động, thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, khí hậu và con người, ngày nay, tháp Chăm còn lại không nhiều, lại trong tình trạng xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng đó là di sản kiến trúc vô giá không chỉ của quốc gia mà còn của nhân loại, là nhân chứng về một nền văn hóa Champa cổ rực rỡ, rất cần được gìn giữ, tôn tạo và bảo tồn. Trong loại hình kiến trúc cổ ở nước ta hiện nay, kiến trúc đền tháp Chăm là một loại hình kiến trúc đặc biệt, bởi ngoài giá trị lịch sử, các đền tháp Chăm cũng được coi như là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc với hình khối kiến trúc đặc biệt, kỹ thuật xây dựng độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Vương quốc Chăm được hình thành từ thế kỷ thứ 2 và trải dài trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình tới Phan Thiết. Trong lịch sử tồn tại của mình, dân tộc Chăm đã để lại nhiều di sản kiến trúc có giá trị, đặc biệt là thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1999). Mỹ Sơn - thánh địa Champa, là nơi hội tụ những di tích kiến trúc nghệ thuật mà nền văn minh Champa đã tạo lập nên trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13). Mặc dù phần còn lại đến ngày nay quá ít ỏi so với những gì đã từng tồn tại ở chốn thiêng liêng này, song, khu di tích Mỹ Sơn vẫn là một quần thể kiến trúc thuộc loại lớn nhất và có giá trị đặc biệt nhất trong di sản văn hoá Chăm.
Những di tích này thể hiện trình độ kỹ thuật xây dựng độc đáo, với những công trình kiến trúc độc lập hoặc tạo thành từng nhóm có niên đại từ thế kỷ 7 - 13. Phần lớn các công trình này được xây bằng gạch kết hợp với một số thành phần đá sa thạch. Ở phía ngoài của bức tường mạch vữa kết nối giữa các viên gạch rất mỏng tạo cảm giác như không có lớp vật liệu ghép nối. Trong công trình cũng có một số phần bên trong và bên ngoài được làm bằng đá. Sau khi vương quốc Chăm sụp đổ, kỹ thuật xây dựng, chất kết dính dùng để liên kết các viên gạch được những người Chăm sử dụng trong quá khứ đã thất truyền. Từ cuối thế kỷ 19, việc nghiên cứu các di tích Chăm được chú ý, đặc biệt từ sau khi khu di tích Mỹ Sơn được công nhận là di sản thế giới. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng, vật liệu của những kiến trúc Chăm này là đặc biệt cần thiết, phục vụ cho công tác bảo tồn trùng tu, các di tích kiến trúc Chăm. Như vậy, đã có nhiều công trình nghiên cứu về các di tích kiến trúc đền tháp Chăm trong đó phần lớn là các nghiên cứu về lịch sử, đặc điểm kiến trúc nghệ thuật của các di tích này. Cũng đã có những nghiên cứu về vật liệu và kỹ thuật xây dựng nhưng có thể nói vật liệu và kỹ thuật xây dựng của người Chăm cổ vẫn còn những bí ẩn, nói cách khác là vấn đề này vẫn chưa được giải quyết đầy đủ, triệt để, cần tiếp tục nghiên cứu. Mặt khác, hiện chưa có nghiên cứu nào chuyên sâu về vật liệu và kỹ thuật của riêng khu di tích Mỹ Sơn, nơi tập trung các đền tháp của nhiều thời kỳ từ thế kỷ thứ 7 đến 13, nơi có những đặc điểm riêng biệt về địa hình, khí hậu, môi trường cũng như các vấn đề liên quan đến vùng nguyên liệu. Vì thế, hơn một thế kỷ nay, tháp Chăm luôn được nhiều thế hệ học giả quan tâm nghiên cứu với những thành tựu to lớn. Từ ngày phát hiện đến nay, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm luôn là một câu hỏi không dễ trả lời, đặt ra cho các nhà nghiên cứu. Có lẽ, hiếm có một công trình kiến trúc nào được nhiều thế hệ bàn đến về mặt kỹ thuật xây dựng như tháp Chăm. Nhiều giả thuyết được đưa ra, có giả thuyết bị lãng quên, có giả thuyết được chấp nhận, bổ sung, hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay, hầu như chưa có những phân tích đánh giá nào đối với công tác trùng tu các di tích Chăm. Do đó việc nghiên cứu về vật liệu và kỹ thuật xây dựng các kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn để tiếp tục bổ sung cho các nghiên cứu trước đây và đặc biệt là phục vụ trực tiếp công tác bảo tồn trùng tu các đền tháp Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn là công việc cần thiết và có ý nghĩa.
Thực tế cho thấy trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn các di tích vật liệu kiến trúc gạch, đá đã gặp không ít khó khăn. Những khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu trùng tu các đền tháp Chăm Mỹ Sơn được đặt ra:
- Phần lớn các di tích trùng tu quy mô có tài sản trong nước là các di tích loại hình kiến trúc gỗ. Trong khi đó, khu di tích đền tháp gạch Chăm Mỹ Sơn có niên đại trải dài từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13, có nhiều dạng hư hỏng khác nhau. Do vậy để tu bổ, tôn tạo khu di tích Mỹ Sơn cần phải có nhiều giải pháp kỹ thuật và công nghệ cho mỗi dạng hư hỏng. Mỗi nhóm tháp khi tu bổ cần phải có giải pháp kỹ thuật khác nhau. Trên thực tế, kinh nghiệm nghiên cứu về trùng tu các di tích loại hình kiến trúc gạch đá trong nước còn hạn chế và thiếu bề dày, nhất là việc nghiên cứu về các bài toán về kết cấu, kỹ thuật trùng tu gạch, đặc biệt là ở các nhóm tháp Chăm Mỹ Sơn.
- Đội ngũ cán bộ nghiên cứu di tích, cán bộ làm công tác trùng tu có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn các di tích kiến trúc gạch cũng rất hiếm và chưa qua đào tạo về lĩnh vực này một cách bài bản, tất cả kiến thức thu thập được đều được đào tạo qua quá trình làm việc, nhất là về nghiên cứu kỹ thuật tu bổ tháp Chăm. Do vậy, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ bằng việc tiếp cận với các nhà khoa học có kinh nghiệm ở nước ngoài và các kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực này.
Chính vì vậy việc hợp tác với một cơ quan nghiên cứu có cơ sở vật chất được trang bị bởi những thiết bị công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn thế giới, có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu về kết cấu và kỹ thuật tu bổ các công trình lịch sử bằng gạch sẽ tạo điều kiện để lĩnh vực nghiên cứu về kỹ thuật tu bổ tháp Chăm tiếp cận với chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực này là rất cần thiết và quan trọng.
Sau đây là một số kết quả đáng chú ý mà đề tài “Nghiên cứu thức nghiệm về vật liệu và kỹ thuật xây dựng của kiến trúc Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn” do KTS Lê Thành Vinh làm chủ nhiệm đạt được:
1. Vật liệu và kỹ thuật xây dựng của người Chăm trong hệ thống các di tích đền tháp ở thánh địa Mỹ Sơn là những kiến thức, kinh nghiệm thực tế đã bị thất truyền, chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, bí ẩn, khó xác định. Bằng những phương pháp nghiên cứu khoa học cẩn trọng, tin cậy cả trong phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường, đã giải quyết về cơ ản những đặc tính, thông số liên quan đếnvật liệu và kỹ thuật xây dựng của người Chăm. Đặc biệt, làm rõ các đặc điểm, tính chất, thông số kỹ thuật của gạch Chăm, vật liệu chính để xây dựng các đền tháp Chăm, đồng thời, một lần nữa xác định các đền tháp Chăm được xây từ những viên gạch đã nung chứ không phải theo cách xếp gạch mộc rồi mới nung như giả thiết đã được đưa ra trước đây. Kết quả nghiên cứu cũng xác định các khối xây của kiến trúc Chăm ở Mỹ Sơn được tạo ra bởi sự liên kết các viên gạch bằng chất kết dính có nguồn gốc hữu cơ. Kết quả nghiên cứu về gạch, chất kết dính và kỹ thuật xây dựng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về kiến trúc Chăm là cơ sở khoa học quan trọng cho việc bảo tồn, trùng tu, lưu truyền các di tích đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn.
2. Từ các kết quả nghiên cứu thực địa và trong phòng thí nghiệm được thực hiện ở cả Việt Nam và Ý, cùng với việc khảo sát thực tế tại Quảng Nam và khu vực xung quanh khu di tích Mỹ Sơn tại huyện Duy Xuyên, việc tổ chức sản xuất thí điểm với sự kết hợp các kỹ thuật, kinh nghiệm truyền thống của địa phương và kết quả nghiên cứu khoa học, cho đến nay đã có thể chủ động sản xuất gạch Chăm phục chế trong sự điều tiết các thông số kỹ thuật của từng công đoạn của một quy trình đã được xác định để đạt được các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật của gạch Chăm phục chế để sử dụng trong trùng tu di tích Chăm tại Mỹ Sơn. Bên cạnh đó cũng đã xác định được dầu rái, một loại vật liệu đặc thù của địa phương có thể dùng làm chất kết dính liên kết gạch Chăm cũ hoặc gạch Chăm phục chế trong việc trùng tu các di tích Chăm tại Mỹ Sơn.
3. Đã nghiên cứu, phân tích các dạng hư hỏng khác nhau của các di tích Chăm tại Mỹ Sơn, xác định được nguyên nhân của các hư hỏng đó, từ đó xác định được các giải pháp kỹ thuật tương ứng, phù hợp để bảo tồn, trùng tu các di tích Chăm tại Mỹ Sơn. Từ các kết quả đó, cùng với kinh nghiệm rút ra từ thực tế đã được thực hiện tại khu tháp G trong chương trình hợp tác với Ý, các giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng trong thực tế trùng tu tháp E7 với các dạng hư hỏng điển hình và đã đạt kết quả tốt, có thể tiếp tục ứng dụng đối với các di tích khác tại Mỹ Sơn. Việc áp dụng kết quả nghiên cứu để trùng tu tháp E7 cũng là công trình đầu tiên ở Mỹ Sơn sau hơn 3 thập kỉ thực hiện dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Ba Lan, CH B Đức, Ý, nay được thực hiện hoàn toàn do các kiến trúc sư, kỹ sư và công nhân Việt Nam đảm nhận và có kết quả tốt.
4. Nghiên cứu này đã xác định được những giải pháp cơ bản để bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc Chăm ở Mỹ Sơn với tất cả các dạng hư hỏng, xuống cấp có ở khu di tích này. việc bảo tồn, trùng tu có hiệu quả lâu dài và bền vững hơn, cần tiếp tục nghiên cứu một vấn đề hết sức quan trọng đối với khu di tích này đó là: Nghiên cứu vật liệu (hợp chất) và kỹ thuật bảo vệ bề mặt gạch Chăm (cũ và mới) và các giải pháp bảo quản bề mặt di tích trước các điều kiện vì khí hậu đặc biệt, khắc nghiệt tại Mỹ Sơn. Như vậy, có thể khẳng định rằng cho đến nay, về cơ bản, chúng ta đã hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học, làm chủ được các vấn đề về vật liệu và kỹ thuật xây dựng để bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc Chăm ở Mỹ Sơn, một nhiệm vụ và sứ mệnh quan trọng và đầy ý nghĩa với khu di tích đặc biệt - di sản văn hóa thế giới: Thánh địa Mỹ Sơn.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15043) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.K.L (NASATI)