Những đặc tính độc đáo giúp các nước Đông Nam Á vượt qua khủng hoảng kinh tế và suy thoái công nghệ nhanh hơn so với các khu vực khác
Cập nhật vào: Thứ hai - 30/12/2024 12:07 Cỡ chữ
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á vẫn còn rất non trẻ và hầu như chỉ mới tồn tại chưa đầy một thập kỷ. Tuy nhiên, bất chấp những bất ổn đang hoành hành trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, các công ty khởi nghiệp đổi mới ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới. Tiềm năng tăng trưởng của khu vực này rất đáng kinh ngạc, với mức tăng dự kiến là 130 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2025 cùng tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm đạt mức ấn tượng là 20%.
Lợi thế quan trọng của khu vực nay là cán cân thương mại mạnh mẽ, mang lại bước đệm chống lại suy thoái kinh tế. Đồng thời, vị trí địa lý rộng lớn và dân số phân tán cũng là những yếu tố thuận lợi, góp phần mang đến cơ hội phát triển công nghệ ở khu vực này.
Lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh là tài chính toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh gần 70% dân số trong khu vực không sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc không thường xuyên tiếp cận với dịch vụ dịch vụ tài chính ngân hàng. Thực tế này tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm thu hẹp khoảng cách giữa dân số và các dịch vụ tài chính quan trọng.
Các nước Đông Nam Á đang có bước nhảy vọt trong lĩnh vực tài chính, hiện tượng này trước đây được quan sát thấy trong lĩnh vực thiết bị truyền thông. Nhiều người ở khu vực này có xu hướng chuyển sang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh thay vì máy tính cá nhân, đồng thời, không sử dụng dịch vụ của các hệ thống ngân hàng truyền thống.
Sự phát triển của các dịch vụ tài chính liên quan làm nổi bật tiềm năng to lớn của ngành dịch vụ tài chính ở Đông Nam Á. Bằng cách cung cấp các giải pháp ngân hàng số thuận tiện và dễ tiếp cận, các dịch vụ này cung cấp cho các cá nhân không có tài khoản ngân hàng quyền truy cập trực tiếp vào các dịch vụ tài chính mà không cần sử dụng tài khoản ngân hàng truyền thống.
Dân số tương đối trẻ và đông đảo ở Đông Nam Á mang lại một lợi thế đặc biệt khác cho các công ty khởi nghiệp. Chi tiêu tiêu dùng cao do nhu cầu cơ bản thúc đẩy đóng vai trò như một tấm đệm trong thời kỳ suy thoái kinh tế, mang lại khả năng phục hồi cho thị trường.
Đáng chú ý, giới trẻ ở các quốc gia như Indonesia và Philippines thể hiện xu hướng mạnh mẽ trong việc áp dụng các công nghệ mới, tạo ra thị trường ngày một phát triển cho các dịch vụ và sản phẩm sáng tạo. Xu hướng này được minh chứng bằng sự liên tục cập nhật và phát triển của các ứng dụng thương mại điện tử qua mạng xã hội, song song với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của những người sáng tạo nội dung ảo. Thị trường này thường rất phổ biến đối với giới trẻ và có tiềm năng phát triển rất lớn.
Indonesia là quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á và số lượng cá nhân thuộc Thế hệ Z và Thế hệ Y (thế hệ thiên niên kỷ “Millennial”) hiện chiếm tới là 144,87 triệu người. Con số này chiếm 53,81% tổng dân số. Trong thập kỷ tới, nhóm nhân khẩu học này sẽ bước vào những năm có thu nhập cao nhất, và dần trở thành động lực quan trọng trong chi tiêu toàn cầu. Ngoài ra, Đông Nam Á còn chứng kiến sự gia tăng đột biến về tài năng công nghệ ở nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ, với 80.000 sinh viên tốt nghiệp công nghệ hằng năm, Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp công nghệ trên dân số ngang bằng với các nước như Ấn Độ. Nguồn lao động tài năng này góp phần đáng kể vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ của khu vực, đồng thời, cung cấp nền tảng vững chắc cho sự đổi mới trong tương lai.
Khi dân số trẻ trong khu vực bước vào những năm có thu nhập cao nhất cùng với thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu về việc sử dụng các sản phẩm công nghệ tiêu dùng cũng tăng theo, đặc biệt là tại các thị trường phát triển. Đáng chú ý, nhóm Thế hệ Z, vốn là những người lớn lên trong môi trường kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu này. Đặc biệt, những người thuộc Thế hệ này trong độ tuổi 18-29 ở khu vực thành thị chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ tiêu dùng nhiều hơn 75% so với dân số trung bình. Đây là tỷ lệ cao nhất, chỉ đứng sau những người tiêu dùng thuộc nhóm người giàu có ở Đông Nam Á.
Hơn nữa, mô hình tiêu dùng dự kiến sẽ chuyển sang các nền tảng trực tuyến. Xu hướng mua hàng trực tuyến cho phép người dùng truy cập dễ dàng và thuận tiện vào các sản phẩm công nghệ tiêu dùng, đặc biệt là những người dùng sống ở khu vực ngoại ô bên ngoài các thành phố Cấp 1 và Cấp 2. Hiện tại, 43% công dân kỹ thuật số ở Đông Nam Á cư trú ở khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch đáng chú ý về tỷ lệ thâm nhập của công nghệ tiêu dùng, chẳng hạn như thương mại điện tử và công nghệ du lịch so với những người sống ở thành thị. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường chưa được khai thác ở các khu vực ngoại ô còn rất lớn, mang lại nhiều cơ hội phát triển và mở rộng.
Mặc dù các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số bán lẻ dành cho người tiêu dùng Đông Nam Á đang ngày càng phát triển, tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng trống về cơ sở hạ tầng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ngoài Singapore, Đông Nam Á còn có tiềm năng to lớn chưa được khai thác trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tạo thành xương sống của nền kinh tế với hơn 70 triệu SME. Con số này chiếm gần 40% GDP của khu vực và sử dụng gần 2/3 dân số lao động việc làm. Các công ty hoạt động trong thị trường này đã đạt được lợi nhuận đáng kể.
Cuối cùng, chăm sóc sức khỏe mang đến cơ hội đáng kể và là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp nhằm giải quyết các nhu cầu cơ bản của con người thông qua những tiến bộ công nghệ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng, ngoại trừ Singapore và Malaysia, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân tại Đông Nam Á chỉ vỏn vẹn 8 bác sĩ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 15 bác sĩ trên 10.000 dân. Những số liệu thống kê trên cho thấy sự hạn chế trong khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Từ thực tiễn này, các công ty chăm sóc sức khỏe và các công ty khởi nghiệp có tiềm năng không chỉ phát triển mạnh trong lĩnh vực này mà còn thu hẹp khoảng cách cho nhóm dân số chưa được phục vụ đầy đủ này thông qua những đổi mới trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế từ xa.
N.K.L (NASATI), theo Navigating the startup ecosystem in Southeast Asia | Tatler Asia, 12/2024