Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh
Cập nhật vào: Thứ sáu - 03/01/2025 00:03 Cỡ chữ
Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan vừa tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực AI trong tiến trình chuyển đổi số của thành phố. Hội thảo không chỉ đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng mà còn nêu lên những cơ hội và thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao.
Quang cảnh hội thảo
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu AI hiện tại của thành phố tập trung vào bốn nhóm lớn:
- Quản trị đô thị: Thành phố cần AI để quản lý hiệu quả hơn và xây dựng nền tảng thành phố thông minh trong tương lai.
- Nâng cao hiệu suất hành chính công: AI được kỳ vọng giúp tăng năng suất và tối ưu hóa hoạt động của bộ máy chính quyền.
- Hỗ trợ doanh nghiệp: AI mang đến cơ hội cải thiện năng suất lao động và nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
- Cung cấp dịch vụ công: Ứng dụng AI trong các dịch vụ công nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Thành phố hiện có hơn 50 trường đại học, học viện, trong đó 35 trường đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, chỉ có 14 chương trình chuyên sâu về AI, khoa học dữ liệu và kỹ thuật dữ liệu, với tổng chỉ tiêu đào tạo chưa đến 1.000 sinh viên mỗi năm.
Khảo sát cho thấy: Gần 60% doanh nghiệp cho rằng chất lượng nhân sự AI chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu; 25% doanh nghiệp nhận định đủ nhân sự đáp ứng nhu cầu; 25,9% cho rằng chất lượng đào tạo chưa đạt kỳ vọng. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực AI không chỉ thiếu về số lượng mà còn hạn chế về chất lượng, chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Để khắc phục những hạn chế, theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung vào các giải pháp sau:
- Xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu: Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để thiết kế các chương trình đào tạo toàn diện về học máy, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, và các ứng dụng thực tiễn của AI.
- Phổ cập kiến thức AI: Tổ chức các khóa học ngắn hạn trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng AI cho người dân và doanh nghiệp.
- Hỗ trợ từ chính sách nhà nước: Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ về học phí, cơ hội thực tập, và nghiên cứu để khuyến khích học sinh, sinh viên theo đuổi ngành AI.
- Phát triển hệ sinh thái nghiên cứu AI: Xây dựng mạng lưới viện và trung tâm nghiên cứu AI tại các cơ sở giáo dục nhằm cung cấp môi trường nghiên cứu và ứng dụng lý tưởng.
Nguồn nhân lực AI chất lượng cao là chìa khóa thành công trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu và hợp tác giữa các bên liên quan không chỉ giúp thành phố đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn tạo ra những cơ hội mới trong tương lai.
P.A.T (tổng hợp)