Trung Quốc: mức sinh đẻ không tăng trở lại sau khi hết quy định một con
Cập nhật vào: Thứ hai - 26/12/2022 12:10 Cỡ chữ
Năm 2015, Trung Quốc chấm dứt chính sách một con, nhưng tỷ lệ sinh sản sau đó đã không tăng trở lại, chủ yếu được cho là do phụ nữ gặp khó khăn trong việc dung hòa cuộc sống gia đình và cuộc sống nghề nghiệp. Trong hơn 30 năm, chính sách một con đã thay đổi nhân khẩu học của nước này.
Trung Quốc đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, dù chính phủ nước này đã chấm dứt chính sách một con vào năm 2015. Nhưng liệu điều đó có đủ để khuyến khích các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh con? Theo Isabelle Attané, từ Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Quốc gia Pháp (INED), câu trả lời là không, vì phụ nữ Trung Quốc gặp khó khăn trong việc dung hòa cuộc sống gia đình và cuộc sống nghề nghiệp, lo ngại mất việc làm và chi phí sinh hoạt, mức sinh không tăng.
Sự suy giảm mức sinh ở Trung Quốc là một hiện tượng đã kéo dài hơn 40 năm. Trong những năm 1970, với chiến dịch kiểm soát sinh đẻ lần thứ 3, số con trung bình trên một phụ nữ đã giảm từ 5,8 con năm 1970 xuống 2,8 con năm 1979, một trong những mức giảm sinh lớn nhất từng được ghi nhận trên thế giới trong một thời gian ngắn như vậy. Năm 1979, chính sách một con được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Những năm 1990 lại đánh dấu một đợt sụt giảm mới trong tỷ lệ sinh của Trung Quốc.
Tiến bộ về y tế, tăng chi phí sinh hoạt, tăng trình độ học vấn đã làm thay đổi các chuẩn mực gia đình và bắt đầu những thay đổi kinh tế và xã hội, mở đường cho việc giảm mức sinh. Ngoài ra, việc phổ biến siêu âm đã dẫn đến sự phát triển ồ ạt của phá thai có chọn lọc, nhằm ngăn cản việc sinh con gái trong bối cảnh văn hóa xã hội ưa thích con trai. Một hệ quả nhân khẩu học của chính sách một con chính là nam tính hóa các ca sinh nở. Thực sự có một sự mất cân bằng rất đáng kể giữa các giới tính. Số liệu thống kê cho thấy cứ 100 bé gái thì có 116 bé trai. Điều này đặt ra những vấn đề xã hội ở một đất nước mà đàn ông ngày nay khó tìm được bạn đời để kết hôn.
Kết quả là dân số Trung Quốc đang già đi với tốc độ cấp số nhân và tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng gia tăng. Điều này khiến chính quyền Trung Quốc đã phải xem xét từ bỏ chính sách một con. Họ lo ngại rằng dân số Trung Quốc già đi sẽ cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước và làm tăng chi phí y tế. Do đó, vào cuối năm 2013, các cặp vợ chồng mà một trong hai vợ chồng là con một có thể sinh hai con. Hai năm sau, năm 2015, luật lại được nới lỏng và cho phép tất cả các cặp vợ chồng có hai con.
Ngày nay, hơn 30% dân số Trung Quốc trên 50 tuổi và đến năm 2050, một phần tư dân số được dự đoán là trên 65 tuổi. Do đó, bằng cách sửa đổi luật để cho phép mỗi phụ nữ sinh hai con, ý tưởng là cho phép đổi mới dân số tích cực và cung cấp hỗ trợ cho người cao niên. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học tin rằng điều này sẽ không đủ. Theo Christophe Guilmoto, nhà nghiên cứu tại INED và chuyên gia về các vấn đề nhân khẩu học ở châu Á, luật mới có thể kích thích mức sinh tăng vừa phải, nhưng điều này sẽ không đủ để bù đắp chính sách một con kéo dài hơn ba thập kỷ. Theo Christophe Guilmoto, số ca sinh có thể tăng lên ở một số nơi, nhưng không nhiều, mọi người đã quen chấp nhận chính sách một con và việc chỉ có một con đã trở thành một phần của các chuẩn mực xã hội được tích hợp tốt.
Hiện tại, tác động của việc từ bỏ chính sách này là chưa thể đo lường được chính xác. Nhưng những số liệu đầu tiên có sẵn không cho thấy xu hướng gia tăng tỷ lệ sinh sản. Năm 2015, 800.000 trẻ em được sinh ra theo chính sách mới. Một con số thấp hơn nhiều so với khoảng 2 triệu ca sinh hàng năm dự kiến do nới lỏng luật vào cuối năm 2013. Tác động yếu ớt này của cải cách có thể được lý giải: phụ nữ thành thị có tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi nam giới. Phân biệt đối xử trong lao động (lương thấp hơn, sa thải bất công sau khi nghỉ thai sản hoặc nghỉ hưu bắt buộc) cũng không khuyến khích phụ nữ sinh con. Ngoài ra, việc tiếp cận trường học hoặc chăm sóc sức khỏe phải trả phí cao ở Trung Quốc, điều này khiến các gia đình phải chi tiêu tài chính đáng kể. Cuối cùng, các cặp vợ chồng trẻ muốn chọn thời điểm họ sẽ có con và thường ưu tiên cho sự nghiệp chuyên môn của họ. Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc đưa ra những lựa chọn khiến họ trì hoãn việc sinh con hoặc thậm chí, đối với một số người, từ bỏ nó. Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh sản ở Trung Quốc có thể sẽ phục hồi về lâu dài, trong bối cảnh phụ nữ phải được coi trọng hơn nữa trong thị trường lao động và hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình muốn có thêm con.
P.A.T (NASATI), theo https://www.pourquoidocteur.fr, 12/2022