Chọn tạo giống bông thuần xơ màu và bông lai xơ trắng có năng suất cao, phẩm chất tốt và chống chịu sâu hại
Cập nhật vào: Thứ tư - 11/09/2019 14:20 Cỡ chữ
Theo đánh giá của Hiệp hội Tư vấn Bông thế giới, trong 10 năm trở lại đây bình quân năng suất và giá bông xơ có tăng nhưng với tốc độ chậm so với xu hướng tăng ngày càng nhanh của chí phí sản xuất do tăng giá vật tư đầu vào, chi phí lao động và một số chi phí thiết bị bổ sung và phụ trợ khác. Hiện tại, diện tích trồng bông toàn cầu biến động trong khoảng 30 - 35 triệu ha với sản lượng bông xơ khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm. Trong năm 2016, diện tích trồng bông toàn cầu vào khoảng 30,5 triệu ha với sản lượng 21,2 triệu tấn. Đối với Việt Nam, phát triển bông hiện tại cũng nằm trong xu thế chung của thế giới. Năng suất bông bình quân cả nước thấp và tăng chậm. Hơn nữa, chi phí sản xuất cao, trung bình chi phí khoảng 1,1USD/1kg xơ, thuộc nhóm nước có chi phí sản xuất cao nhất và đang có xu hướng tăng theo giá cả vật tư, nhân công,… do đó các đơn vị sản xuất khó có thể dùng biện pháp tăng giá mua để kích thích người trồng, đồng thời, hiệu quả sản xuất bông thấp, rủi ro cao, cây bông mất ưu thế cạnh tranh so với cây trồng khác. Trước thực tế trên, tăng giá trị đầu ra của sản phẩm bông và giảm chi phí sản xuất đầu vào hợp lý là giải pháp quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của cây bông nhằm khôi phục và phát triển bông trong nước; trong đó, sử dụng các giống bông xơ có màu tự nhiên với giá xơ gấp 2 - 2,5 lần so với bông xơ trắng giúp tăng giá trị đầu ra của nguyên liệu và sản phẩm dệt may; từ đó, tăng hiệu quả sản xuất, kích thích sản xuất bông phát triển. Mặt khác, chọn tạo các giống bông lai xơ trắng có năng suất cao, phẩm chất tốt và chống chịu được một số loại sâu bệnh hại chính nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng bông nhờ giảm chi phí đầu vào thuốc bảo vệ thực vật và nhân công phun thuốc. Hiện tại, mặc dù chưa được khai thác đầy đủ, nhưng với thuận lợi về nguồn gen hiện có, khá phong phú về chủng loại và số lượng (hơn 2.100 mẫu giống); trong đó, có 75 mẫu giống bông xơ màu (gồm 66 mẫu giống bông xơ màu nâu và 9 mẫu giống bông xơ màu xanh lơ), 300 mẫu kháng rầy xanh chích hút (nhiều lông/ thân lá), hơn 250 mẫu chất lượng xơ tốt, 60 mẫu kháng cao đối với sâu đục quả và 20 mẫu giống kháng sâu đồng thời chống chịu thuốc trừ cỏ có thể dùng làm nguồn vật liệu khởi đầu tốt.
Trong bối cảnh như vậy, nhằm phát triển các giống bông thuần xơ màu và bông lai xơ trắng năng suất cao, phẩm chất tốt và chống chịu sâu hại cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống hiện đang trồng nhằm dần thay thế các giống cũ đang trồng phổ biến là một giải pháp kỹ thuật thích hợp, tăng hiệu quả kinh tế để tăng khả năng cạnh tranh của cây bông, khôi phục và phát triển sản xuất bông nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cao và ngày càng tăng của ngành Dệt - May, tăng tỷ lệ nội địa, giảm nhập siêu, đa dạng hóa sản xuất, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Văn Sơn, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Chọn tạo giống bông thuần xơ màu và bông lai xơ trắng có năng suất cao, phẩm chất tốt và chống chịu sâu hại”.
Qua một thời gian triển khai (từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2017), nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:
1. Trong công tác nhập nội và thử nghiệm giống bông thuần xơ màu: đã nhập nội và thử nghiệm 12 mẫu giống bông xơ màu, 2 mẫu giống bông thuần xơ màu có năng suất cao hơn giống đối chứng C118, tuy nhiên, khả năng kháng rầy xanh kém và chất lượng xơ không đạt yêu cầu nên không thể sử dụng bình tuyển trực tiếp mà thông qua lai tạo và chọn lọc sau lai. Tạo các quần thể lai giữa bố mẹ xơ màu và giữa bố mẹ xơ màu với xơ trắng cung cấp cho chọn lọc dòng thuần xơ màu: đã đánh giá và chọn lọc 50 bố mẹ xơ màu và xơ trắng, 7 bố mẹ xơ màu nâu và 5 bố mẹ xơ trắng có tiêu chí phù hợp cho chọn lọc bông thuần xơ màu; 35 quần thể lai F1 giữa bông thuần xơ màu và bông lai xơ trắng đã được lai tạo và 3 quần thể F2 phù hợp cho chọn lọc các dòng bông thuần xơ màu chín sớm từ các quần thể phân ly F2 - F8 đã được chọn lọc. Đánh giá 50 mẫu giống bông thuần hiện có trong tập đoàn quỹ gen xơ màu, 4 mẫu có năng suất thực thu > 20 tạ/ha, tuy nhiên, khả năng kháng rầy xanh kém và chất lượng xơ không đạt yêu cầu nên không thể sử dụng bình tuyển trực tiếp mà thông qua lai tạo và chọn lọc sau lai. Trong 6 quần thể từ thế hệ F2 - F7, 49 dòng có triển vọng được chọn lọc cung cho đánh giá, 24 dòng có triển vọng cung cấp cho so sánh và 16 dòng cho khảo nghiệm cơ bản.
2. Trong công tác nhập nội và thử nghiệm giống bông lai xơ trắng: đã nhập nội và thử nghiệm 20 giống bông lai xơ trắng, 4 giống bông lai xơ trắng có năng suất cao thấp hơn giống đối chứng VN01-2 và kháng rầy kém. Tuy nhiên, tỷ lệ xơ cao và chất lượng xơ tốt có thể sử dụng làm vật liệu nghiên cứu chọn tạo giống bông chất lượng xơ cao. Đánh giá đa dạng di truyền bằng phương pháp truyền thống cho 50 mẫu giống bông thuần xơ trắng, đã phân thành 5 nhóm với các đặc tính quý khác nhau. Đánh giá đa dạng di truyền bằng phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học cho 50 mẫu giống bông thuần xơ trắng đã phân được 2 nhóm chính và 8 nhóm phụ khác nhau. Trên cơ sở phân nhóm di truyền bằng phương pháp truyền thống và ứng dụng công nghệ sinh học đã tạo 100 tổ hợp lai theo các sơ đồ lai lai kiểm định 4x10, 4x6 và lai đơn cung cấp cho đánh giá. Đánh giá bố mẹ và 79 tổ hợp lai, 12 tổ hợp lai có triển vọng đã được chọn lọc cung cấp cho so sánh. So sánh 12 tổ hợp lai, 6 tổ hợp lai có triển vọng cung cấp cho khảo nghiệm cơ bản. Các tổ hợp đều có năng suất hơn hẳn đối chứng hiện trồng, chất lượng xơ tốt, kháng sâu xanh và kháng rầy xanh cao.
3. Trong các dòng thuần xơ màu và tổ hợp lai xơ trắng khảo nghiệm VCU qua các bước, dòng bông thuần xơ màu S10-80-13-3-6-4 và tổ hợp lai xơ trắng TL0034/B04-4-2, có năng suất vượt đối chứng chín sớm trên 15% ở các vùng, phẩm chất xơ tốt, kháng sâu xanh và kháng rầy xanh từ khá đến tốt. Đối với dòng bông thuần xơ màu có triển vọng S10-80-13-3-6-4 tại Ninh Thuận có thể trồng với mật độ 6,5 vạn cây/ha kết hợp bón phân với liều lượng 150kg N - 75kg P2O5 - 75kg K2O và thời vụ gieo trồng trong vụ mưa thích hợp nhất từ 10 - 15/7 hàng năm. •Đối với tổ hợp lai xơ trắng TL00-34/BO4-4-2, trong điều kiện Ninh Thuận có thể trồng tăng mật độ lên 7,5 vạn cây/ha và bón phân với liều lượng 120 kg N + 60 kg P2O5 + 90 kg K2O và thời vụ gieo trồng trong vụ mưa thích hợp nhất từ 10 - 15/7 hàng năm.
Nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp tục khảo nghiệm sản xuất cho dòng bông thuần xơ màu S10-80-13-3-6-4 và tổ hợp lai xơ trắng TL00-34/BO4-4-2 ở các vùng sinh thái khác nhau để có cơ sở công nhận sản xuất thử cho dòng bông thuần xơ mà và tổ hợp lai xơ trắng trên. Bổ sung các biện pháp kỹ thuật phù hợp cho dòng bông thuần xơ màu S10-80-13-3-6-4 và tổ hợp lai xơ trắng TL00-34/BO4-4-2 phù hợp ở các vùng sinh thái khác.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14779/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)