Mô hình trồng dừa thu mật giúp tăng từ 3 -5 lần giá trị kinh tế cho nông hộ trồng dừa
Cập nhật vào: Thứ tư - 28/08/2024 00:05 Cỡ chữ
Dừa vốn là một báu vật của tự nhiên, có khả năng đem đến cả trăm loại sản phẩm hữu dụng. Tuy nhiên, rất ít người đến sản phẩm mật hoa dừa. Sản phẩm đặc biệt này đã được Sokfarm, một doanh nghiệp nhỏ ở Trà Vinh, nâng niu phát triển và giới thiệu tới thị trường quốc tế.
Trong lúc tìm giải pháp gia tăng giá trị cho cây dừa của gia đình, chị Chal Thi ở Trà Vinh đã chợt nhớ đến sản phẩm đường dừa được làm từ mật hoa dừa (còn gọi là rỉ hoa dừa hay nhựa dừa), một chất lỏng có trong búp hoa dừa non. Từ đó, chị suy nghĩ làm thế nào để có thể khai thác mật hoa dừa để hình thành một sản phẩm mới, tạo ra một lối đi mới khác cho người trồng dừa. Những suy nghĩ giản dị của họ không ngờ lại là xu hướng phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa của các vùng trồng dừa, cọ trên khắp thế giới.
Theo một số nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế như Journal of Food Measurement and Characterization, Journal of basic and applied Researchin Biomedicine, mật hoa dừa (Coconut inflorescence sap) không chỉ là thứ dung dịch ngọt ngào tự nhiên mà còn có nhiều khoáng chất, chất chống ô xy hóa, nhiều loại vitamin và tác nhân tiêu hóa tốt. Trên thị trường, chất làm ngọt tự nhiên này ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi nó có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn cả đường mía.
Từ ý tưởng đến hiện thực là một con đường khá gập ghềnh. Gia đình chị Chal Thi, những nhân tố ban đầu của Sokfarm hiện tại, đã phải vật lộn với không ít nghi ngờ từ các hộ trồng Dừa rằng liệu trồng dừa lấy mật hoa có hiệu quả hơn là lấy trái không? Sau này không thu mật nữa thì cây dừa có cho quả bình thường nữa không? Thời gian đầu, gia đình anh chị rất khó thuyết phục mọi người tin theo cách làm của mình bởi vì nó quá mới khiến nhiều người lo rằng làm như thế này thì dừa sẽ bị giảm năng suất, ảnh hưởng đến sức khỏe cây dừa, anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ trong chương trình 5W1H Podcast với nhà báo Vũ Kim Hạnh vào năm 2023.
Khác với hầu hết các chất tạo ngọt thông thường, người ta sẽ được thu hoạch đem về nghiền, cô đặc sẽ tạo ra đường nhưng muốn lấy mật dừa, người ta phải dùng chày gỗ đập nhẹ quanh bắp hoa dừa, làm tổn thương nhẹ các mạch dẫn nhựa bên trong, kết hợp cắt bỏ một đoạn khoảng 5cm về phía đỉnh để kích thích mật tiết ra ngoài, rồi dùng dây cột không cho mo nở bung ra. Sau đó, mỗi ngày hai lần (sáng và chiều) tiếp tục dùng chày đập kết hợp với cắt bỏ khoảng 3-5mm bắp hoa để làm mới vết thương, đồng thời dùng dây buộc kéo nhẹ cho bắp hoa từ từ cúi xuống, liên tục như vậy cho đến khi mật rỉ ra. Những người sáng lập Sokfarm gọi kỹ thuật này là massage hoa dừa - một trong những điểm then chốt quyết định lượng mật thu được.
Nếu đập nhẹ quá thì các mạch dẫn nhựa bên trong các gié hoa chưa bị tổn thương, mật sẽ không tiết ra được. Nếu đập mạnh quá mạnh sẽ làm các gié hoa bên trong bị dập, bắp hoa sẽ bị hư. Hơn nữa, kích thước mỗi bắp hoa trên từng giống, từng cây cũng không giống nhau, đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm và quen tay để điều chỉnh lực đập cho phù hợp đối với những bắp hoa khác nhau. Phức tạp như vậy nên trong nửa năm đầu tiên, họ gần như không thu được mật.
Học hỏi là cách duy nhất để giải quyết những vấn đề mà họ phải đối mặt. Dần dần, họ nắm được bí quyết, xây dựng quy trình thu hoạch bài bản, cho hiệu quả cao. Cứ theo chu kì 25 ngày cây dừa sẽ cho ra một hoa, trung bình một năm cây dừa sẽ cho ra 13 hoa. Một hoa dừa sẽ được thu mật liên tục trong 25 ngày, tương đương với 25-30 lít mật/hoa và được thu luân phiên từ hoa này đến hoa khác. Nhưng đó mới chỉ là khâu khai thác ban đầu, để mật hoa dừa trở thành một sản phẩm được nhiều người ưa chuộng thì cần rất nhiều việc để làm. Thật may mắn là vốn kiến thức từ trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và từ quá trình làm việc cho một công ty chế biến chocolate đã giúp anh Phạm Đình Ngãi vận hành Sokfarm theo đúng hướng. Anh đã đầu tư cho công nghệ để hiện đại hóa sản phẩm của mình. Nhờ vậy mật hoa dừa thu được có thể chế biến thành nhiều sản phẩm, bao gồm mật hoa dừa cô đặc. Sau ba năm kể từ khi ra đời vào năm 2019, với những bước đi bài bản từ đầu tư công nghệ cho đến phát triển vùng trồng hữu cơ, Sokfarm đã đưa những sản phẩm từ mật hoa dừa bản địa tiến ra thế giới. Bao gồm cả những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao như châu Âu, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan. Dù phức tạp song quá trình này giúp Sokfarm hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình.
Việc nhạy bén với nhu cầu thị trường cũng là một trong những yếu tố giúp các sản phẩm của Sokfarm thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ở thị trường trong nước hay xuất khẩu, sản phẩm chính của Sokfarm hết sức đa dạng, bao gồm mật hoa dừa tươi, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, giấm mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men… Tất cả đều thu về phản hồi tích cực của người tiêu dùng. “Hiện nay mọi người thường chú ý đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Đây là những yếu tố chúng tôi luôn chú ý khi sáng tạo những sản phẩm mới. Chẳng hạn như nước tương mật hoa dừa của Sokfarm được lên men tự nhiên từ mật hoa dừa, không đậu nành, không gluten, rất phù hợp với những người bị dị ứng. Nước tương của Sokfarm cũng giảm 50% muối so với thông thường”, anh Phạm Đình Ngãi cho biết.
Những thành công bước đầu giúp những người sáng lập Sokfarm tự tin hơn trên hành trình của mình. Hiện tại, mô hình trồng dừa thu mật giúp tăng từ 3 -5 lần giá trị kinh tế cho nông hộ trồng dừa. Một chùm hoa dừa thường cho khoảng chục trái, giá bán hiện tại khoảng 50.000 đồng. Nếu lấy mật, mỗi chùm hoa dừa sẽ cho khoảng 25 lít, tương đương 250.000 đồng. Đến nay Sokfarm liên kết với gần 50 nông hộ trồng dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để lấy mật hoa. Dự tính đến năm 2030, chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác 500 hộ nông dân. Họ sẽ được hướng dẫn xây dựng vùng trồng hữu cơ và hệ thống quản lý vùng trồng hiệu quả và bền vững, có nguồn thu nhập ổn định, không còn phải rời quê lên phố kiếm việc làm. Giờ đây, trong danh sách hơn 200 sản phẩm từ dừa, ắt hẳn có thêm dòng sản phẩm mật hoa dừa.
P.T.T (tổng hợp)