Nghiên cứu chọn tạo giống ớt cay kháng bệnh thán thư bằng chỉ thị phân tử
Cập nhật vào: Thứ tư - 15/01/2020 04:55 Cỡ chữ
Cây ớt cay (Capsicum annuum L.) là cây gia vị quan trọng được trồng khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê FAO năm 2013, ngành trồng ớt trên toàn thế giới đạt sản lượng 3.352.163 tấn ớt khô trên diện tích 1.989.664 ha và 31.171.567 tấn ớt xanh trên diện tích 1.914.685 ha. Sản lượng ớt biến động hàng năm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố sâu bệnh là quan trọng nhất.
Có rất nhiều sâu bệnh hại cây ớt, trong đó bệnh thán thư là loại bệnh gây hại nghiêm trọng trên quả trước và sau thu hoạch. Bệnh này xảy ra khắp các vùng trồng ớt trên thế giới với tỷ lệ gây hại cao, có thể làm giảm 80-90% năng suất.
Ở nước ta, ớt cay được trồng phổ biến cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu với diện tích thu hoạch gia tăng từ 46.861 ha năm 1999 lên 55.508 ha năm 2005 và 64.000 ha năm 2013, tuy nhiên năng suất hầu như không tăng, đạt 1,654 tấn ớt/ha năm 16999; 1,547 tấn/ha năm 2005 và 1,453 tấn/ha năm 2013. Bệnh thán thư là một nguyên nhân quan trọng làm hạn chế năng suất ớt ở nước ta. Bệnh này xảy ra rất phổ biến trên ớt trong mùa mưa. Khi điều kiện thuận hợp, nấm bệnh tấn công mạnh làm thối quả hàng loạt trên đồng. Quả ớt sau thu hoạch vẫn tiếp tục bị bệnh gây thất thoát lớn sản phẩm trong điều kiện xử lý sau thu hoạch còn thiếu thốn như hiện nay. Hầu hết các giống ớt cay lai trên thị trường đều nhiễm bệnh thán thư, tỉ lệ nhiễm rất cao ở các giống quả lớn, tỉ lệ nhiễm thấp hơn ở các giống quả nhỏ. Giống ớt Hiểm địa phương kháng tốt bệnh thán thư nhưng không được tiêu thụ nhiều. Những năm gần đây ớt xuất khẩu được nên giá ớt luôn cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng nên diện tích ớt ngày càng được mở rộng, việc luân canh không được thực hiện triệt để nên mầm bệnh có nhiều cơ hội lưu tồn và bộc phát.
Vì vậy chọn tạo giống ớt cay kháng bệnh thán thư phục vụ sản xuất trong nước là việc làm rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, việc chọn giống kháng bệnh phức tạp hơn so với chọn giống đối với nhiều tình trạng khác nhau nên việc ứng dụng chỉ thị phân tử vào chương trình chọn giống ớt kháng bệnh thán thư cũng rất cần thiết nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu. Việc ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn giống ớt cay kháng bệnh thán thư mặc dù còn rất mới mẻ ở nước ta nhưng trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, đồng thời cũng có rất nhiều giống cây trồng kháng bệnh đã được tạo ra ở nước ngoài và trong nước thông qua việc ứng dụng chỉ thị phân tử, tạo nền tảng để thực hiện việc chọn tạo giống ớt cay kháng bệnh thán thư bằng chỉ thị phân tử.
Xuất phát từ những thực tế trên nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ quản Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Kim Cương nghiên cứu với mục tiêu tạo được giống ớt cay có năng suất, giá trị thương phẩm cao và kháng bệnh thán thư bằng chỉ thị phân tử.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Thu thập, phân lập và định danh được 10 chủng nấm gây bệnh thán thư trên ớt tại một số tỉnh, thuộc các loài Colletotrichum acutatum, C. truncatum và C.gloesporioides, trong đó chủng TG1 thuộc loài C.acutatum là chủng có tính độc cao nhất.
- Xác định 9 dòng ớt chỉ địa bố mẹ gồm 6 dòng có năng suất và chất lượng quả cao là CĐ2, CĐ6, CĐ17, CĐ26 và CĐ27; và 3 dòng có khả nang kháng với bệnh thán thư là CĐ11, CĐ12 và CĐ17.
- Xác định sự phân ly di truyền tính kháng bệnh thán thư trên ớt theo quy luật Menden với tỷ lệ 3:1, gen trội quy định tính kháng.
- Xây dựng được bản đồ di truyền các nhóm liên kết của cây ớt bao gồm 13 nhóm với chiều dài genome được xác định là 1.747,8cm, khoảng cách trung bình giữa chỉ thị lân cận là 11,86cm.
- Tìm thấy 6 vị trí gen kiểm soát tính kháng bệnh thán thư ớt nằm trên 4 nhóm liên kết (4,9,11 và 12). Vị trí liên kết ngắn nhất ở nhóm 4 với khoảng cách 4,3cm, 2 chỉ thị liên kết hai phía gen kháng Hpms1-165-1 và HpmsAT2-14.
- Tạo được 5 dòng F5 tự thụ và 5 dòng BC3F2, mang gen kháng từ tổ hợp lai CĐ2Xcđ17, đồng thời tạo được 40 dòng F5 và 26 dòng BC3F2 khác bổ sung vào nguồn gen lưu trữ.
- Lai tạo và chọn được 2 giống lai khảo nghiệm gồm giống số 1 (4xB24) và giống số 13 (53xT30) có khả năng kháng bệnh thán thư (chỉ số bệnh từ 9,0-14,7%) năng suất thương phẩm cao (17,3-20,1 t/ha), hàm lượng chất khô cao, từ 18,0-19,6%.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15285/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)